Tại sao đa cấp "hot"
“Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) hay kinh doanh đa cấp (multi-level marketing) hoặc kinh doanh theo mạng (network marketing) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.
Nhờ vậy, hình thức này tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa. Số tiền này được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm tiếp tục phục vụ người tiêu dùng. Đây là phương thức kinh doanh tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: Khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường đem chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Kinh doanh đa cấp gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội, và thường bị quy kết với hình tháp ảo”.
Ở một số ngành nghề nhất định như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… mô hình kinh doanh đa cấp sau khi được du nhập vào Việt Nam đã trở thành một mô hình “hết hồn”.
Vì sao nói đây là mô hình “hết hồn”? Hết hồn bởi lẽ, có quá nhiều bất cập ở khâu quản lý, quá nhiều biến thể làm cho hình thức này bị bóp méo so với ban đầu. Từ đó, trong xã hội cũng dị ứng với hai từ đa cấp, những gì liên quan hay na ná đều bị quy chụp là xấu xa, cần lên án.
Dẫn chứng, trong thời gian gần đây, có khá nhiều công ty hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng lại với mục đích mị dân, lừa đảo người tiêu dùng. Không hiếm những Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT hay những “đại tá” bị bỏ tù vì lừa đảo, bán hàng đa cấp dỏm như trường hợp Công ty Liên Kết Việt đã làm “dậy sóng” dư luận trong những ngày qua.
Nói về Công ty Liên Kết Việt, mới đây, thông tin từ cơ quan điều tra cho hay, sau 1 thời gian hoạt động công ty này đã lừa đảo hàng nghìn người dân tại 21 tỉnh thành với số tiền lên đến 1.900 tỉ đồng. Khi bị phát hiện và các lãnh đạo công ty bị bắt, Liên Kết Việt đã “rỗng ruột”, số tiền còn lại là 45,5 tỉ đồng. Chiều 22/2, vài ngày sau thông tin lãnh đạo Công ty Liên kết Việt có văn phòng đặt tại tầng 4, tòa nhà 29T1, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bị bắt tạm giam thì tại công ty không còn dấu vết của đồ đạc, không biển hiệu hay bóng dáng nhân viên làm việc.
Bảo vệ của tòa nhà này cũng cho biết, vào tháng 6/2014, Công ty Liên Kết Việt chuyển đến địa điểm này. Khoảng tháng 11/ 2015, công ty bắt đầu có dấu hiệu ngừng hoạt động, lúc đó toàn bộ nhân viên của công ty này không thấy đến làm việc hoặc đến cũng rất rải rác. Thời điểm giáp Tết, mọi đồ đạc trong văn phòng công ty được chuyển đi hết.
Nói về đa cấp, thật là thiếu sót khi không đề cập đến Công ty 5F Capital. Theo đó, để trở thành “cổ đông” của công ty 5F Capital, khách hàng phải đóng góp một số tiền từ 70 đến trên 200 triệu đồng, sau đó “ngồi rung đùi đợi tiền đến” với lãi suất lên đến 5%/tháng (60%/năm). Thêm vào đó, chính sách trả hoa hồng giới thiệu/ thu nhập của công ty này cũng “khủng” không kém, khi khách hàng kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tham gia đóng tiền để làm cổ đông, Công ty 5F Capital lại có thêm chính sách thưởng hoa hồng giới thiệu từ 35 đến 50%.
"Thật là một hình thức đa cấp lừa đảo mà" - Một bạn đọc bức xúc.
Nạn nhân lên tiếng
Cầu cứu lên báo Người Đưa tin, bà Hồ Thị Tùng, cán bộ hưu trí tại Hóc Môn cho biết, bà có đứa cháu đang làm công nhân tại một xí nghiệp lớn. Nghe lời giới thiệu “hấp dẫn” có thể làm giàu mà không cần lao động từ người quen, cháu bà đã tham gia làm tại công ty Phúc An Khang (Số 46 Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TP.HCM) – một công ty con trực thuộc công ty Everrichs Khát Vọng Việt.
Sau khi tham gia vào “đường dây làm giàu” và “quyết chí làm giàu”, người cháu này lấy hết tiền ở nhà “đầu tư” vào công ty để mua sản phẩm. Phải mua sản phẩm thì mới được tham gia là thành viên, tham gia bán hàng cũng như dựa vào doanh số từ bán hàng để được “thăng chức”.
“Sau khi mua một núi sản phẩm công ty đó mang về, nó đâu dùng được mà cũng đâu bán được cho ai. Nó mang… tặng hai hộp cho ông cậu ở quê còn mấy hộp để trên nhà này đợi bán. Nó bán được hai hộp cho hàng xóm nhưng mấy ngày sau người ta mang trả lại rồi đòi lại tiền. Khi chúng tôi phát hiện thì nó ôm hai hộp thuốc thực phẩm chức năng đó bỏ trốn, giờ không biết tung tích ra sao” – bà Tùng khóc nấc lên chia sẻ.
|
Phiếu mua hàng "thần thánh" để "biến" khách hàng trở thành nhân viên công ty. |
Theo những gì mà PV Người Đưa tin điều tra thì Công ty TNHH MTV TM và DV Khát Vọng Việt là một nhánh của Công ty đa cấp Everrichs Global, hoạt động đa cấp “trá hình” và hoàn toàn không có giấy phép kinh doanh đa cấp. Bất chấp sự phản đối từ dư luận, “tập đoàn đa cấp” Everrichs Global hiện vẫn đang vươn “vòi bạch tuộc” khắp cả nước và hoành hành không kiêng nể. Có rất nhiều nạn nhân đã gọi điện tố cáo hoạt động lừa đảo dưới hình thức đa cấp của công ty này. Phương thức hoạt hoạt động của doanh nghiệp thườngđánh vào tâm lý nhiều người cần việc làm thu nhập cao nhưng… không tốn sức lao động. Họ dễ dàng khiến nhiều “con mồi” ngoan ngoãn bỏ ra số tiền hàng triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua về những gói sản phẩm bổ sung không biết dùng làm gì.
Ngoài ra, hồ sơ còn thể hiện Công ty Phúc An Khang là công ty con của công ty Everrichs Khát Vọng Việt. Công ty Everrichs Khát Vọng Việt là một trong những công ty con của Công ty Everrichs Globol – một công ty đa cấp “lừng lẫy” mà báo chí vẫn nhắc đến.
Hiện nay, công ty mẹ đã thành lâp các công ty con tại các tình ở miền nam và các vùng xa ngoại thành vì người dân tại đây ít được cung cấp thông tin.
Còn nhớ vào thời điểm trước đây, khi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm – bộ y tế kiểm tra các mẫu sản phẩm Công ty Everrichs Globol, một “đại lý” phân phối sản phẩm của công ty này đã khẳng định hai sản phẩm Theo Max và Prodi Gold là của CTCP Ca cao Việt Nam, được sản xuất theo hồ sơ công bố số 43/2014/CBPHQĐATTP–VINACACAO.
Tuy nhiên, thông tin từ Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế thì hai sản phẩm trên của Công ty Everrichs Global không hề tồn tại trong danh mục hồ sơ công bố thực phẩm bổ sung được phép lưu hành trên cả nước. Vì vậy, hồ sơ công bố của các mẫu sản phẩm này được đưa ra trước đó là không hề có thật. Chính những chi tiết trên đã khẳng định chất lượng những sản phẩm mà những người tham gia mạng lưới đa cấp bán hàng đang kinh doanh.
Khép lại vấn đề, bán hàng đa cấp là không xấu nhưng hình thức này lại được những “người xấu” lợi dụng để biến tướng và trở nên “xấu” trong mắt nhiều người. Trên thực tế, các công ty kinh doanh đa cấp bất chính thường lấy tiền người sau trả cho người trước, người được lợi cuối cùng vẫn là công ty. Những người tham gia trước có thể biết mình bị lừa nhưng vì lợi nhuận, tiền thưởng trước mắt tiếp tục lôi kéo người khác tham gia để gỡ gạc. Ai cũng nghĩ mình có thể nhanh chân hơn để lấy lại tiền, nhưng phần lớn đều bị cuốn vào vòng xoáy của đa cấp.
Mời quý độc giả xem video:
Nguồn Youtube