Thay vì cây lên đọt non xanh tốt, những ngày này, phần lớn những vườn mai vàng tiền triệu của người dân xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B, Long Thới… thuộc huyện Chợ Lách đã đỏ lá, ngừng phát triển, trong số đó có những cây đã chết khô.
|
Ông Nguyễn Văn Mến, ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thành có khoảng 40 cây mai bị chết khô và hàng nghìn gốc mai khác trong vườn đã bị héo lá. |
Nhiều người dân cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ đầu tháng 2 có một đợt nước mặn xâm nhập bất ngờ vào các con sông trên địa bàn huyện. Do không hay biết nên người dân đã vô tình sử dụng nước mặn trên tưới cho những gốc mai.
|
Ngày nào ông Nguyễn Văn Mến cũng đi lấy mẫu nước nhờ cơ quan chức năng kiểm tra độ mặn. “Tôi rầu lắm, vài ngày qua không dám tưới nước cho mai vì độ mặn đang tăng cao. Tôi đang tính đến việc thuê người khoan giếng lấy nước nhưng chưa thuê được” – ông Mến nói. |
Để cứu những gốc mai có giá tiền triệu trên, người dân đã đi lấy mẫu nước ở nhiều con sông, đem đi nhờ cơ quan chức năng địa phương kiểm tra nồng độ mặn. Từ đó, mẫu nước nào có độ mặn thấp, người dân sẽ đến đó lấy nước về tưới cho cây. Tuy nhiên, do độ mặn các con sông thay đổi bất ngờ và có chiều hướng tăng nên rất khó để lấy được nước.
|
Cũng như gia đình ông Mến, ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ cùng ấp Hoà Khánh cho biết: “Tôi có khoảng 1.000 gốc mai nhưng đã có đến 90% gốc bị ảnh hưởng bởi nước mặn, trong đó có nhiều gốc mai nhỏ đã chết khô nhiều ngày qua…” |
Theo Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách, trước đây, Chợ Lách có nước ngọt quanh năm nên cây trồng đã thích nghi với điều kiện nước ngọt. Vì vậy, khi mặn xâm nhập bất ngờ đã làm cho nhiều loại cây trồng, trong đó có mai vàng bị thiệt hại.
|
Ngoài những gốc đang trồng, ông Quyền cũng có hàng trăm gốc mai mới mua về đang….chờ chết khô. “Thông thường, sau khi mua về hơn 1 tuần, các gốc mai này sẽ lên đọt non nhưng đến nay đã gần 1 tháng, tôi vẫn không thấy có gốc nào lên cả” – ông Quyền nói. |
|
Ngoài vườn mai của ông Mến và ông Quyền, rất nhiều vườn mai khác ở huyện Chợ Lách đang chết khô từng ngày…Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Do chủ quan, người dân không hay nước mặn đến nên đã sử dụng nước mặn tưới liên tục dài ngày đã dẫn đến thiệt hại đáng kể. Tới đây, thiệt hại sẽ nặng nề hơn khi độ mặn dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài”. |
Đến nay, toàn huyện Chợ Lách đã có 9/11 xã, thị trấn đã bị nhiễm mặn (có nơi độ mặn lên đến 5,2‰), ước tính thiệt hại về cây giống, cây kiểng và cây ăn quả trên 30 tỷ đồng. Để hạn chế đến mức thiệt hại của người dân, ngành nông nghiệp đã phân công cán bộ trực (kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật) tại 3 điểm đo độ mặn, giúp bà con kiểm soát được độ mặn của các nguồn nước.