Mắc kẹt vì lướt sóng vàng

Google News

Chỉ trong vòng 1 tháng, giá vàng miếng SJC từ đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng rơi xuống còn 76,9 triệu đồng/lượng.

Nhiều nhà đầu tư lướt sóng vàng “ngồi trên đống lửa” khi mắc kẹt giữa các lựa chọn bán ra sẽ lỗ nặng, mua vào tiếp để trung bình giá hoặc nằm im chờ hòa vốn. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả thời điểm này khi giá vàng giảm người dân cũng không nên mua vào, vì độ rủi ro cao và đầu tư cần trang bị những kiến thức cần thiết thay vì đầu tư chạy theo đám đông.
Mac ket vi luot song vang
 Nhiều nhà đầu tư đã thận trọng hơn khi mua vàng. Ảnh: Như Ý.
Sau các phiên đấu thầu vàng miếng không thành công, ngân hàng Nhà nước chuyển hướng can thiệp bằng cách bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Theo đó, giá vàng miếng SJC chỉ trong 3 ngày, từ 3/6 đến 6/6, giảm liên tục mỗi ngày 1 triệu đồng/lượng và đi ngang giá đến hôm nay ở mức 76,9 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng miếng SJC thiết lập đỉnh vào ngày 10/5 với 92,4 triệu đồng/lượng, đến nay giá vàng đã giảm hơn 15 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh giá vàng thế giới ở mức 1.295 USD/ounce (tương đương gần 72 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí), giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn thế giới khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tục hạ là tin vui đối với những người luôn có thói quen tích sản bằng vàng bên cạnh các khoản tích lũy khác. Còn với cơ quan quản lý, giá vàng giảm cũng phần nào hạ bớt áp lực trong quá trình điều tiết thị trường, dù họ vẫn còn áp lực khác phải giải quyết như nguồn cung ứng, sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng hay tổ chức việc bán vàng giữa các ngân hàng thương mại… Còn với những người lướt sóng vàng hoặc lỡ mua ở mức giá trên 90 triệu đồng/lượng, việc giá vàng giảm mạnh khiến không ít nhà đầu tư mắc kẹt trên đỉnh và chịu lỗ lớn.
Kể lại câu chuyện đầu tư của mình, chị Thu Hoa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi giá vàng lên đỉnh và thấy báo chí liên tiếp đưa tin về việc người dân đổ xô mua vàng, tôi kỳ vọng giá còn tăng ít nhất trong vòng 1 - 2 tháng nên đã rút hết tiết kiệm mua 30 lượng vàng với giá 92,4 triệu đồng/lượng. “Đến thời điểm này, nếu tôi bán ra chịu lỗ kép vì giá vàng đã giảm quá mạnh, chưa kể phải chịu khoản chênh lệch mua vào - bán ra. Chỉ trong vòng 1 tháng tôi lỗ hơn nửa tỷ đồng”, chị Hoa rơm rớm kể.
Chị Hoa cho biết đang mắc kẹt vì không biết giờ nên bán cắt lỗ hay tiếp tục mua vào để trung bình giá. “Tôi không biết giá vàng có giảm tiếp không? Ngày nào tôi cũng ngóng tin giá bán từ phía các ngân hàng. Những ngày qua, khi mỗi ngày giá giảm 1 triệu đồng/lượng, tôi mất ăn, mất ngủ. Vợ chồng không nhìn mặt nhau vì vàng”, chị Hoa nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, những người mua vàng ở vùng giá trên 90 triệu đồng/lượng hiện bị lỗ tới gần 20 triệu đồng/lượng nếu tính cả khoảng chênh lệch với giá mua vào. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kéo thành công giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới hơn nữa, nhà đầu tư sẽ cần rất nhiều thời gian để “về bờ”.
Cần áp thuế với đầu tư vàng
Sau 1 tuần, nhóm ngân hàng quốc doanh và Cty SJC bán vàng trực tiếp theo giá của Ngân hàng Nhà nước, đến nay nhu cầu mua vàng của người dân vẫn chưa dừng lại. Trong số những người xếp hàng chờ mua vàng không ít nhà đầu tư chớp thời cơ giá thấp để lướt sóng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, muốn đầu tư gì cũng cần kiến thức trong đó có kênh đầu tư vàng.
TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, thời điểm này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ cần Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngưng mua vàng dự trữ, giá vàng thế giới lập tức mỗi đêm sẽ giảm từ 80 đến 100 USD/ounce. Vì vậy, người dân cần thận trọng dù sở hữu vàng là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán.
“Việc tăng cung ứng vàng ra thị trường là một nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm kéo giá vàng xuống. Còn để đảm bảo cho mọi người dân có thể mua không giới hạn thì không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, không có nước nào bán vàng vô giới hạn cho mọi người dân”, ông Phước nói.
Ông Phước cho biết thêm, trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như là không cho các tổ chức tín dụng huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn…, tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không phải là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa.
“Sắp tới, tôi nghĩ việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên Ngân hàng Nhà nước cần giữ quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện. Như vậy, chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, ông Phước nói.
PGS-TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế tương tự với vàng. Theo bà Mùi, giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác thay vì kiểm soát giá vàng. Ngoài ra, việc áp thuế cũng giúp đảm bảo công bằng trong kinh doanh vàng.
“Áp thuế với vàng trong nước sẽ giúp giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt với những đối tượng mua để đầu cơ, thao túng giá”, bà Mùi nêu ý kiến.
Theo Ngọc Mai/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)