Xem video: Chiêu cân chỉnh, cân điêu đánh lừa người tiêu dùng. Nguồn VTV.VN
Mới đây phóng viên báo Người Đưa Tin có nhận được một số phản ánh bức xúc của một số bạn đọc về tình trạng gian lận khi mua hoa quả ở chợ Nhà Xanh. Hầu hết đều phản ánh rằng họ bị thiệt thòi về số tiền thực tế khi chi trả cho 1kg hoa quả so với giá thực ngoài thị trường.
“Dưa hấu có giá 12.000 đồng một kg nhưng khi về cân thiếu gần một nửa. Mình bị thế không chỉ một lần mà những lần mua hoa quả khác cũng bị như vậy” - chị Nga (Phan Văn Trường) chia sẻ.
“Mình cũng mua ở đó vài lần, có những loại hoa quả đắt tiền như Nho, Dưa Vàng nhiều khi cân thiếu mất tới vài chục nghìn ấy chứ” - chị Quyên không giấu nổi bức xúc.
Không chỉ chị Nga, chị Quyên mà rất nhiều khách hàng từng mua hoa quả ở ngõ Chợ Nhà Xanh (Phan Văn Trường, Cầu Giấy) đều gặp phải vấn đề bức xúc này. Để xác thực thông tin trên PV Người đưa tin đã vào cuộc và nhập vai một khách đi mua hoa quả.
Dạo quanh mấy hàng thấy mấy chị bán hoa quả, chị nào cũng cười rất tươi. Không chỉ thế họ còn nhiệt tình mời khách đon đả. Có một chị béo béo khuôn mặt khả ái mời khách “Cóc chỉ 10 nghìn/kg thôi, mua đi em”. Thấy tôi lắc đầu chị nói tiếp “Hay mua dưa vàng đi, dưa vàng ở đây ngon lắm mà rẻ nữa. Em chẳng mua được ở đâu giá thế này đâu”.
|
Một chị bán hàng đon đả chào mời khách. |
Tôi hỏi chị:"Thế dưa này giá bao nhiêu?”.
“25.000/kg. Rẻ bèo, em mua đi, dưa xịn đấy nhé”.
Tôi nghi ngại: “Rẻ hơn nhiều thế này liệu có cân thiếu không?”.
Chị bán hàng nhìn tôi ánh mắt nghi ngại: “Chưa mua đã hỏi thế. Không mua thì đi chỗ khác. Ai cân thiếu cho khách bao giờ”.
“Đảm bảo đủ nhé. Thiếu là mang ra trả liền. Nhà em cách đây 200m, ở ngõ kia kìa” - Tôi nói và chỉ về ngõ gần đó.
Chị bán hàng nhìn tôi: “Chị nói thật nhé! Nếu cân đủ, chị sẽ lấy em giá 45.000/kg, không mặc cả thêm”.
Tôi nghe thế phóng xe đi thẳng, phía sau tôi chị bán hàng vẫn còn lẩm bẩm điều gì đó. Tôi rẽ tiếp vào hàng thứ hai lần này khá đông khách. Cố tình kéo dài thời gian để tìm hiểu thêm một số thông tin, tôi hỏi giá ổi, giá xoài, táo…
Tới khi chỉ còn mình tôi chị bán hàng có vẻ cáu: “Chị mua gì?”.
“Em muốn mua ổi”
“15.000/kg giá đề đó kìa”.
“Cân đủ không?”- tôi nhìn với ánh mắt e ngại.
“Không thiếu một cân nào”- chị bán hàng nhìn tôi khẳng định.
“Nhà em gần đây, mẹ em rất khó tính bà lúc nào cũng kiểm tra đấy nhé. Thiếu em trả chị nha”- tôi cẩn thận.
Chị bán hàng nhìn tôi ánh mắt thăm dò, nhưng rồi quả quyết “Ở đây 1,4 mới bằng 1kg cân đủ nhé. Nếu cân đủ, em tính chị giá khác”.
Tôi giật mình: “Sao có thể như vậy được, phải cân đủ cho người ta chứ. Người ta đã biết thiếu rồi cơ mà. Sao lại tăng giá lên ngay lập tức như vậy?” - Tôi ngạc nhiên.
“Cân đủ thì phải giá khác chứ. Ở đây bán cho sinh viên nên mới thế. Sinh viên ham rẻ, thấy rẻ mới mua còn để giá cao thế ai mua?” - chị bán hàng lườm tôi.
“Mà nhé, nhà gần mới nói nha. Còn không thì cũng không nói làm gì. Nể nhau tí thế thôi”- chị bán hàng hằn học.
“Sao lại cân thiếu như thế được, không sợ người ta mắng, người ta trả sao?” - tôi hỏi lại.
“Sợ gì. Làm ăn kiếm tí ấy mà. Mà không làm thế, làm sao mà đủ sống chứ?” - chị bán hàng cười nhạt, nháy mắt với tôi.
Khi tôi hỏi chị bán đây lâu chưa, chị bán nói “Em bán đây lâu rồi, dân ở đây người ta vẫn mua đầy ra. Bán thiếu nhưng vẫn rẻ hơn nơi khác chán. Cũng có người không mua nữa, kêu bán thiếu. Nhưng với bọn em chẳng sao hết. Đối tượng ở đây chủ yếu là sinh viên ham rẻ, nên cứ bán thôi”.
Cũng theo chị bán hàng, sinh viên qua đây đâu chỉ một vài người. Ngày nào cũng có sinh viên tới đây, rất đông họ dừng lại mua hàng, thậm chí ngồi đó ăn và tán gẫu.
“Có thiếu họ cũng chẳng biết. Mà có biết cũng làm được gì khi không phải ngày nào cũng mua” - chị bán hàng nhấn mạnh.
Thực tế, hàng hoa quả ở ngõ chợ Nhà Xanh khá phong phú khi có đủ loại hoa quả bình dân như táo, xoài xanh, củ đậu, dưa chuột, loại đắt hơn là dưa vàng, nho Mỹ, nho Đà Lạt,…
Đánh vào tâm lý sinh viên ít tiền “ham rẻ”, nhiều người bán hàng đã đề giá với mức “hấp dẫn” nhưng bù lại họ lại ăn gian khi cân thiếu tới gần nửa cân. Người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi về số tiền thực tế phải trả đúng cho 1kg so với giá chung trên thị trường. Và với cách làm như vậy, những người bán hàng sẽ tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh với những người bán hàng chân chính.
Cô Chiến một người bán hàng hoa quả lâu năm cho hay: “Nói thật nhiều khi bức xúc nhưng biết làm sao được. Cạnh tranh không lành mạnh, tranh khách của nhau cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Tôi không làm được như người ta, đành để khách hàng tự lựa chọn để có những sản phẩm tốt nhất”.