Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) vừa đề nghị Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia triển khai gấp lấy ngẫu nhiên 3 mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng thuộc hệ thống của KFC và 3 mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường. Mỗi cơ sở giám sát lấy 1 mẫu về xét nghiệm.
Viện sẽ tiến hành xét nghiệm 6 mẫu sản phẩm này theo các chỉ tiêu xét nghiệm: chất acrylamide và chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAH). Kết quả kiểm nghiệm sẽ được báo về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 21/7.
Theo ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP, việc làm trên xuất phát sau khi Cục tiếp nhận cảnh báo của Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) về việc phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
|
Món khoai tây chiên của KFC đang được lấy mẫu kiểm tra để tìm chất gây ung thư. |
Theo EFSA, acrylamide là một hợp chất được sinh ra trong quá trình chế biến các loại thực phẩm giàu tinh bột và asparagine (một loại axít amin tự nhiên rất phổ biến) ở nhiệt độ cao (từ 150oC) bằng các phương thức như: chiên, rô ti, đút lò... Bên cạnh đó, những phần “giòn, thơm, vàng ruộm” của các món ăn được chế biến ở nhiệt độ cao là nơi có lượng acrylamide cao nhất.
Chủ tịch nhóm nghiên cứu về chuỗi thực phẩm CONTAM Diane Benford giải thích thêm: “Acrylamide khi được hấp thụ qua hệ tiêu hóa sẽ được phân phối và chuyển hóa ở tất cả các cơ quan. Một trong những sản phẩm của quá trình chuyển hóa này là glycidamide bị xem là nguyên nhân hàng đầu gây đột biến gien dẫn đến ung thư trong các nghiên cứu trên động vật”.
Từ năm 1994, acrylamide đã bị Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc tế (CIRC) xác nhận là tác nhân gây ung thư đối với động vật và có thể cả với con người. Ngoài ung thư, các nghiên cứu còn cho thấy chất này có thể gây tác hại đối với hệ sinh dục nam, hệ thần kinh, với thai nhi và trẻ sơ sinh.
TS Đặng Chí Hiền (Viện Công nghệ Hóa học, TP HCM) cũng cho biết, acrylamide là chất độc cho cơ thể người hình thành khi thực phẩm được nướng hoặc chiên ở nhiệt độ cao. Chất này được tổng hợp từ axít acrylic. A xít này điều chế được từ acrolein hoặc allyl alcol là hai chất gây ung thư cực cao nếu có trong thức ăn. Nó có nhiều trong mỡ, dầu chiên hay thịt chiên bị cháy".
Thực tế, từ năm 2002, cơ quan quản lý thực phẩm quốc gia Thụy Điển đã phát hiện độc tố này trong một số loại thực phẩm chứa tinh bột khoai tây được chế biến ở nhiệt độ cao 170 – 180oC.
Tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học ở Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM và Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã thu thập 12 mẫu khoai tây và lựa chọn khoai tây tươi để rán ở các tiêu chuẩn, sau đó đem xét nghiệm phân tích. Các nhà khoa học đã chiên khoai tây ở ba mức nhiệt độ 1.500oC, 1.700oC và 1.900oC. Kết quả cho thấy nhiệt độ càng cao, thời gian chiên càng dài thì hàm lượng acrylamide sinh ra càng lớn.
Trên thực tế, bim bim, khoai tây chiên là những món ăn vặt được nhiều trẻ em ưa thích. Nhưng nhiều nhà khoa học ở các nước trên thế giới đã đưa ra không ít lời cảnh báo nguy cơ mắc bệnh từ các loại bim bim. Theo Quỹ Tim mạch Anh, nếu mỗi ngày ăn một gói khoai tây chiên thì một năm cơ thể của trẻ đã hấp thu khoảng 5 lít dầu. Một gói khoai tây chiên 35gr chứa 2,5 thìa dầu. Một túi lớn hơn sẽ tăng lượng dầu lên 3,5 thìa.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đã từng chỉ rõ, hầu hết các loại snack đều chế biến công nghiệp ở nhiệt độ cao nên dễ hiện diện chất béo transfat có thể gây bệnh tim mạch, về lâu dài dẫn đến ung thư.
Nếu ăn thường xuyên với liều lượng cao sẽ gây béo phì, đái tháo đường, các vấn đề về sức khỏe tim mạch…Việc thừa muối cũng khiến thận phải làm việc quá tải, ảnh hưởng tới chức năng bài tiết và tăng nguy cơ suy thận.