Hóa đơn điện tăng vọt và cách “chơi” của EVN

Google News

Hóa đơn tiền điện của EVN “cứ đến hẹn lại lên” hay tăng vào những tháng hè, bởi dễ vin vào việc sử dụng nhiều thiết bị làm mát của người dân. 

Thế nhưng năm nay, dù đã cam kết không tăng giá điện trong tháng 6, nhưng mới đây, nhiều hộ gia đình đã nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng cao ngất ngưởng, gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với các tháng khác.
Vui mừng khoe trên facebook rằng tiền điện tháng 4 đóng ít hơn 1/3 so với tháng trước, chị Hồng, ngụ tại phố Tô Hiệu (Hà Nội) lại khiến cho nhiều người lo lắng với status trên vì cho rằng sẽ lặp lại quy trình: tháng trước giảm, tháng sau tăng vọt như mọi năm. Vậy là ai cũng hồi hộp chờ hóa đơn tiền điện tháng 4, rồi tháng 5 xem tình hình “ra răng”. Kết quả là đúng như dự đoán.
 
Mặc dù EVN và Bộ Công thương đều khẳng định, trước mắt chưa tăng giá điện nhất là trong những tháng nắng nóng, thi cử như hiện nay. Vậy mà tiền điện vẫn cứ tăng.
Tại khu vực quân Tây Hồ, một số hộ gia đình thuộc phường Bưởi còn giữ nguyên hóa đơn tiền điện của 4 tháng liên tiếp để đem ra so sánh và nhận thấy ngay sự bất thường trong hóa đơn tiền điện tháng 5. Đơn cử như gia đình ông H. ở phố Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội đang dùng điện ở mức 1,3 triệu đồng/ tháng, tự dưng tháng 4 tụt xuống còn hơn 1 triệu đồng trong khi gia đình vẫn sử dụng điện như mọi tháng, để rồi tháng 5 vọt lên hơn 2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ông H cho hay, tháng 5 vừa qua, bình nóng lạnh nhà ông gần như không bật, chưa kể cả gia đình đi nghỉ mát 1 tuần cuối tháng 5 (ngay sau khi lũ trẻ được nghỉ học), điều hòa chỉ bật về đêm ở mức 28 – 29 độ và không phải ngày nào cũng sử dụng, vậy mà so với tiền điện năm ngoái vẫn vọt lên quá sức tưởng tượng.
Ông H. cũng chia sẻ là khi thấy tiền điện tháng 4 tự dưng giảm, ông cũng đã thấy lo và rồi khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 5 thì mới thấy giật mình vì tăng gấp đôi. Thậm chí ông còn được cô nhân viên thu tiền điện giải thích: vì gia đình bác đóng giữa tháng nên chúng cháu “chốt sổ” vào tháng 5, sang nửa tháng 6 tính giá khác. Thế hóa ra, tính giá điện mới là một cách tăng giá không công khai à?
Bực mình với giá điện tăng cao bất thường, bác M. ngụ tại Kim Mã quận Ba Đình đã yêu cầu nhân viên đến xem lại số điện nhà mình, bởi công tơ ở tít trên cao, không phải ai cũng leo lên xem được. Thế nhưng, kết quả khớp với số điện trên hóa đơn, bởi… vẫn là người của EVN lên kiểm tra. Vậy là lại hòa cả làng.
Trong khi đó, nhiều hộ gia đình cũng gặp tình trạng tương tự tại quận Thanh Xuân đã bực bội định không đóng tiền điện tháng này để lên Sở điện khiếu nại, nhưng nhân viên thu tiền cũng đã buông một câu gọn lỏn: “Tùy anh chị, nếu không đóng tiền điện tháng này thì gia đình anh chị sẽ bị cắt điện sau 15 ngày nữa. Điều này đã được ghi trong điều 6 khoản 23 Luật điện lực, còn có khiếu nại gì thì sau khi xem xét EVN sẽ trả lại tiền hay xử lý ra sao… còn tùy”. Vậy là EVN luôn nắm đằng chuôi, còn người tiêu dùng thì luôn ở thế bị động.
Trên mạng xã hội, các facebooker cũng xôn xao nhộn nhạo vì giá điện tháng 5 tăng bất thường với status: “Đang có nghi án EVN tháng rồi hack tiền điện của rất nhiều hộ gia đình tăng lên gấp đôi với lý giải: trời nóng các hộ dùng nhiều điện, nhưng không thuyết phục. Kỳ diệu thay là nhà nào bị đội tiền lên toàn là gấp đôi, tròn xoe so với tháng trước chứ không thấy gấp rưỡi hay lẻ lẻ?”.
Thậm chí có người còn cố gắng giải thích hộ EVN là họ “chốt sổ” sớm để tính giá mới vào 1/6. Thế nhưng đây là tiền điện tháng 5 cơ mà, chả liên quan gì đến cách tính giá mới hết.
Giá điện muốn giảm cũng không được
Chuyện minh bạch trong cách tính giá điện và xăng dầu của Việt Nam còn khiến chuyên gia của Liên hợp quốc – bà Michaela Prokop hoài nghi về lý do tăng giá nguồn năng lượng thiếu minh bạch chứng tỏ hoạt động thiếu hiệu quả. Thế nhưng, dù bị chất vấn trước Quốc hội nhưng người đứng Bộ Công thương, nơi quản lý 3 DNNN trong ngành năng lượng là EVN, PVN và Vinacomin cũng chỉ thừa nhận chứ chưa có động thái gì có thể giải quyết một thực tế: người dân ngày càng phải mua giá điện, giá xăng tăng cao hơn, chứ ít khi thấy giảm.
Đó là chưa kể chuyện EVN mua điện Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần so với giá điện mua của các doanh nghiệp nội địa ngoài EVN, mới đây, đã được GS.TS Đặng Đình Đào thông tin trên Dân trí. Thậm chí, các doanh nghiệp trên muốn tham gia “thị trường điện cạnh tranh” cũng rất khó do EVN đặt ra yêu cầu quá cao.
Vậy ngành năng lượng độc quyền này có muốn phục vụ nhân dân hay không? Trong khi điện trong nước thừa, vẫn đi mua giá cao bên ngoài để rồi hết công khai tăng giá lại “âm thầm” tăng giá với những lý do được giải thích hết mù mờ.
Trong khi đó, với thông tin công bố trên Vietnamnet tính đến 30/9/2013, EVN đang là con nợ lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước với tổng dư nợ tín dụng lên tới 144.000 tỷ đồng.
Một năm qua đi, đương nhiên tập đoàn điện lực này không thể nào trả hết được con số khủng như vậy, mà thậm chí, dù được sự hỗ trợ của các ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng trung ương, họ được vay ở mức lãi suất ổn định thì EVN vẫn thiếu vốn trầm trọng vì những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng, như thủy điện Sơn La 17.500 tỷ đồng, thủy điện Lai Châu 14.500 tỷ đồng…
Còn theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, thì dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư dành cho ngành điện khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD.
Tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Trong đó, trung bình mỗi một dự án nhiệt điện, EVN sẽ cần vay tới 1-1,2 tỷ USD, thì quả thật, việc tăng giá điện cho 90 triệu dân Việt theo lịch trình hàng năm sẽ không bao giờ dứt. Và đương nhiên, giá điện sẽ chỉ có tăng chứ không giảm, bởi còn ai sẽ gánh nợ hộ cho EVN ngoài người dân.
Theo VTC

Bình luận(0)