Theo Tổng cục Du lịch, ngoài việc Việt Nam mất hơn 1 triệu khách đến từ thị trường Trung Quốc, một số thị trường khác cũng đã bắt đầu sụt giảm khách. Trong đó, đáng chú ý là các thị trường nói tiếng Hoa như Hồng Kông, Macau, Đài Loan…
Tác động kép
Lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã tổ chức một buổi họp báo về tình hình khách du lịch quốc tế vào ngày 19-5 tại Hà Nội. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay tình hình căng thẳng ở biển Đông đã trực tiếp tạo nên tác động kép: Khách Trung Quốc sang Việt Nam giảm đột ngột và khách Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc..
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Trung Quốc luôn có số lượng du khách vào Việt Nam cao nhất, chiếm 25% trong tổng số khách quốc tế. Hiện đã xuất hiện tình trạng khách quốc tế dự kiến đến Việt Nam hủy tour, hủy phòng khách sạn, nhất là tại các địa bàn Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM.
“Chúng tôi theo dõi tình hình phát triển du lịch Việt Nam từ đổi mới đến nay và thấy 3 thời kỳ rất khó khăn: Năm 1998 - khi khủng hoảng toàn cầu, thời điểm dịch SARS năm 2003 và cuối năm 2008-2009 - khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Nhưng lần này với sự căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc gây ra, du lịch Việt Nam đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có” - ông Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận.
|
Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. Ảnh minh họa. |
Chuyển thị trường, kích cầu nội địa
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng “trong cái rủi có cái may” bởi tuy Trung Quốc là thị trường du lịch rất lớn song cũng có những hạn chế. Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc đi bằng đường bộ chiếm tỉ trọng cao và chi tiêu ít, lại bị sự can thiệp khá sâu của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc cạnh tranh giảm giá đã khiến hình ảnh du lịch Việt Nam giảm đi. Ngoài ra, thị trường này cũng khó lường, tiềm ẩn những bất trắc do sự điều chỉnh chính sách của chính quyền Trung Quốc.
“Đây chính là lúc chúng ta chuyển hướng sang những thị trường truyền thống, có khả năng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc và thị trường kề cận là ASEAN” - ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết khách Nga chi tiêu 2.200-2.500 USD/người khi đi vào Nam Trung Bộ (gấp 5 lần khách Trung Quốc); khách du lịch Tây Âu, Bắc Mỹ cũng chi tiêu ở mức trên dưới 2.000 USD/người. “Điều quan trọng không phải kéo được bao nhiêu người đến Việt Nam mà là chúng ta thu được bao nhiêu từ du khách” - ông Nguyễn Văn Tuấn lưu ý.
Tổng cục Du lịch đã gửi thư đến các cơ quan du lịch quốc gia ở những thị trường trọng điểm của Việt Nam để thông báo về tình hình cũng như cam kết bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách. “Sắp tới, chúng ta đón các đoàn famtrip (khảo sát báo chí) của các thị trường trọng điểm để tăng cường tuyên truyền hình ảnh của chúng ta, tăng cường tình yêu hòa bình. Bất luận thế nào thì Việt Nam cũng là điểm đến an toàn, hấp dẫn” - ông Tuấn quả quyết.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết bên cạnh việc chuyển hướng sang thị trường mới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng tính đến giải pháp kích cầu nội địa với những giải pháp liên ngành cùng gói hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông, bộ sẽ kiến nghị xem xét kéo dài các kỳ nghỉ lễ, Tết vì đó là cơ hội tuyệt vời cho du lịch. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn liên kết đưa ra các gói giá rẻ, giảm giá các đường bay nội địa, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội đến các điểm nghỉ dưỡng.
Khách Trung Quốc rất tằn tiện
Năm 2013, Việt Nam đón 1,9 triệu khách du lịch Trung Quốc. Trong đó, 40% đi đường bộ, chi tiêu ước tính khoảng 300 USD/người; còn lại đi đường hàng không, chi tiêu khoảng 700 USD/người. Tổng thu từ khách Trung Quốc là hơn 1 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, khách Việt Nam sang Trung Quốc là 1,36 triệu người, chi tiêu bình quân 650 USD/người. Tổng chi tiêu của du khách Việt Nam tại Trung Quốc là 887 triệu USD, tương đương 70% chi tiêu của du khách Trung Quốc tại nước ta.