Dân tình nóng với đề xuất điện đồng giá 1.747 đồng/kWh

Google News

(Kiến Thức) - Trước thông tin tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đề xuất phương án tính giá điện mới, nhiều luồng ý kiến trái chiều "nóng" xoay quanh cách tính đồng giá.

“Nóng” tranh luận tiền điện đồng giá
Mặc dù phương án tính giá điện mới của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN vẫn chỉ là đề xuất để lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia trước khi áp dụng, song ngay khi những thông tin tính điện đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn biểu giá điện sinh hoạt xuống ít bậc hơn được đưa ra, nhiều luồng ý kiến trái chiều đã lập tức bùng nổ trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Dan tinh nong voi de xuat dien dong gia 1.747 dong/kWh
 Tranh luận về cách tính tiền điện đồng giá "nóng" diễn đàn, trang mạng xã hội.
Hai luồng ý kiến “nóng” chủ yếu xoay quanh việc ủng hộ hoặc phản đối phương án tính điện đồng giá 1.747 đồng/kWh.
Những ý kiến phản đối cho rằng, những gia đình, cá nhân sử dụng ít điện sẽ phải gánh thêm mức phí cho các hộ sử dụng nhiều điện. Cụ thể, theo mức giá hiện hành, các hộ sử dụng dưới 200kWh/tháng thì giá điện là 1.533 đồng/kWh. Nếu tính đồng giá 1.747 đồng/kWh, thì các hộ này bỗng dưng phải gánh thêm 214 đồng cho mỗi kWh điện. Câu hỏi đặt ra là của hầu hết người tiêu dùng là dù cho họ có tiết kiệm điện, không dùng quá mức 200kWh/tháng thì họ cũng không tiết kiệm được tiền như trước.
Chị Lan Hương (nhà ở khu đô thị Dương Nội, Hà Đông) cho biết: “Gia đình trẻ chỉ có hai vợ chồng, hàng tháng dùng tiết kiệm không quá mức 200kWh, bớt được khoản nào hay khoản đó. Nếu tính theo cách này, chúng tôi dùng ít mà lại trả nhiều, quá thiệt thòi, cần phải xem lại”.
Cũng bức xúc không kém, anh Nguyễn Đức Thuận (kiến trúc sư, nhà ở khu Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Những hộ có thu nhập khá, dùng nhiều điện lại càng thêm “xài” thoải mái. Hiện tại, các hộ dùng trên 500kWh chịu mức giá 2.587 đồng/kWh, tính thành tiền là khoảng 1 triệu đồng. Nếu tính theo cách đồng giá 1.747 đồng/kWh thì tiền điện giảm đi gần 200.000 đồng. Vậy có phải số tiền này, những người dùng ít điện, thu nhập thấp đang phải gánh hay không?”. Đa phần ý kiến đều cho rằng, nếu tính đồng giá các hộ gia đình nhỏ hoặc cá nhân độc thân, người có thu nhập thấp sẽ phải gánh thêm mức phí "trên trời rơi xuống".
Bên cạnh việc không ủng hộ phương án dự kiến này của EVN, cũng có nhiều ý kiến đồng tình khi cho rằng đây cũng là cách để tính tiền điện minh bạch hơn.
Anh Nguyễn Trường Linh (khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, Hoàng Mai) cho rằng: “Cách tính đồng giá sẽ đơn giản hơn tính giá theo lũy tiến 6 bậc hiện tại. Trước đó, khi biểu giá điện được rút từ 7 xuống còn 6 bậc, giá điện tại bậc thang thứ 6 cao hơn mức bình quân 1.000 đồng mỗi KWh, khiến người dùng càng nhiều điện càng bị tính giá cao. Hóa đơn tiền điện tăng đột biến, gấp 1,5-3 lần so với trước gây tranh cãi. Chưa kể các hộ kinh doanh, nhất là kinh doanh nhà trọ, chung cư sẽ tìm mức giá cao nhất để “chặt chém” người thuê. Vì thế, tính tiền điện đồng giá dùng bao nhiêu, nhân lên tính tiền bấy nhiêu, công bằng, minh bạch”.
Ngoài luồng ý kiến về cách tính đồng giá tiền điện, cũng có những tranh luận về đề xuất ngành điện rút gọn biểu giá sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3-4 bậc, nhưng phải điều chỉnh hợp lý thì mới có thể áp dụng.
Người thuê trọ kẻ vui, người buồn
Những sinh viên, người thuê nhà trọ đều chung tâm trạng thấp thỏm không yên mỗi lần ngành điện có đề xuất điều chỉnh giá.
Dan tinh nong voi de xuat dien dong gia 1.747 dong/kWh-Hinh-2
Sinh viên, người thuê trọ "sốt xình xịch" với đề xuất tính giá tiền điện mới. 
Nickname Linh Hoàng chia sẻ trên trang cá nhân: “Cứ mỗi lần điều chỉnh giá điện là chủ trọ lại tăng tiền điện. Hiện giờ, mỗi phòng thuê trọ đã gánh 4.000 -5.000 đồng/số điện. Nếu tính cách mới, liệu có phải sinh viên lại gánh thêm không, dùng ít tại sao lại trả phí nhiều”?
Trong khi đó, một thành viên khác lại cho rằng: “Nếu thuê nhà trọ mà họ tính điện sinh hoạt theo nhà nước, có công tơ riêng, thì tính tiền đồng giá sẽ có lợi cho người thuê nhà, sinh viên thuê trọ. Còn nếu nhà trọ, chung cư cho thuê mà vẫn tính theo giá kinh doanh, thì mức đồng giá điện sinh hoạt chả ý nghĩa gì”.
Thành viên Hoàng Thọ cũng khác lạc quan về thông tin này: “ Nếu tính đồng giá, thì sinh viên cũng đỡ chứ. Chủ nhà trọ em lúc nào cũng rao là giá điện kinh doanh là 3.7000 đồng/số. Nên bán cho sinh viên 4.000 -5.000 đồngk/số. Nếu lấy bình quân được thì tốt, mình đỡ được vài chục đến cả trăm nghìn một tháng”.
Nhiều thành viên mê “cày game” xuyên đêm lại mừng húm vì từ giờ, nếu lỡ dùng nhiều điện trên 200kWh họ sẽ được tính mức giá rẻ hơn, không lo “cháy túi”.
Hiện tại, EVN mới chỉ đưa đề xuất và dự kiến sẽ lấy ý kiến người dân và các chuyên gia vào cuối tháng 9, tháng 10 tới trước khi chọn phương án phù hợp.
Ngọc Linh

Bình luận(0)