Quả chuối khổng lồ này ra quả trực tiếp chứ không trổ búp như chuối thường, mỗi buồng từ 10 - 20 trái bằng cổ tay. Vì chuối tá quạ cho ít trái nên ngày xưa nông dân chỉ trồng vài cây trong vườn để ăn hoặc dùng thờ cúng chứ ít khi bán. Cũng như chuối sáp, chuối tá quạ không ăn ngay được mà phải luộc chín.
“Chuối trồng chừng tám, chín tháng mới trổ, mỗi buồng chỉ có một hoặc hai nải, vì nhanh chín nên chúng tôi không dám lấy hàng sẵn”, chị Nguyễn Thu Trang - nhân viên cửa hàng đặc sản miền Tây ở Vĩnh Long - cho biết.
Chuối tá quạ dẻo ngọt, thơm ngon nên có thể dùng chế biến nhiều món ăn rất hấp dẫn như nấu cà ri, lẩu, giả cầy..., nhưng món ăn được người lớn lẫn trẻ em ưa thích nhất là luộc. Theo kinh nghiệm truyền lại để luộc được chuối tá quạ phải lưu ý hàm lượng bột của trái và quấn dây quanh từng trái như bánh tét sao cho vỏ chuối không bị nứt để nước không thấm vào làm nhão, nhạt ruột.
|
Chuối tá quạ - đặc sản của vùng Cầu Kè. |
Nước luộc chỉ đổ ngập trái, sau đó đặt phên tre, dằn đá lên trên cố định để chuối không bị xám màu của mủ. Nấu khoảng tiếng rưỡi nhắc xuống chờ nguội xắt lát thưởng thức. Để đổi khẩu vị có thể thái chuối bằng hạt lựu nấu cháo vịt ăn rất ngon.
Chúng tôi tìm đến Cầu Kè tìm hiểu, người dân cho biết lúc trước nhiều người thường quan niệm trồng chuối tá quạ mang điềm xui xẻo. Ban đêm chuối trổ buồng, “vặn mình” phát ra tiếng động rất đáng sợ. Nhưng hiện nay giống này được trồng phổ biến, bởi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, để trồng một vườn chuối tá quạ không đơn giản, bởi cây ít đâm chồi, mỗi cây mẹ thường chỉ có từ 2 - 4 con, nên việc bứng từng cây giống trồng một vườn là cả vấn đề. Để giảm thời gian trồng, hiện Viện cây ăn quả đang cấy mô cây giống.
Tại Sài Gòn, chuối này còn có tên khác là chuối hương. “Khách mua chủ yếu là người quen, thậm chí còn có người ở Nam Mỹ tới đặt hàng để nấu món cà ri truyền thống”, anh Lâm - quản lý một cửa hàng chuối - chia sẻ.