“Chảo lửa” Syria tác động giá xăng dầu VN thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, giả sử chiến sự tại Syria có bùng nổ cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến nguồn cung, hay giá xăng, dầu tại Việt Nam.

Những diễn biến mới nhất về khả năng không bùng nổ nguy cơ chiến tranh tại Syria đã tác động tích cực đến thị trường xăng dầu thế giới khi giá dầu thô liên tục giảm trong 2 ngày gần đây. Cụ thể, phiên giao dịch hàng hóa quốc tế đêm 10/9, giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới tiếp tục sụt mạnh.
Kết thúc phiên 10/9, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm tới 2,13 USD, tương ứng với mức giảm 1,9%, xuống còn 107,39 USD mỗi thùng. Phiên giao dịch liền trước, giá dầu thô loại này cũng đã giảm 1,01 USD, tương ứng với mức giảm 0,9%, xuống còn 109,52 USD mỗi thùng.
Trên sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 10 chốt phiên 10/9 giảm mạnh 2,47 USD, tương ứng với mức giảm 2,2%, xuống còn 111,25 USD mỗi thùng. Với mức giảm mạnh hơn so với giá dầu thô New York, hiện khoảng chênh lệch giá giữa hai hợp đồng dầu này đã rút ngắn còn hơn 3 USD.
Chiến sự Syria nếu có bùng nổ cũng ảnh hưởng không nhiều đến nguồn cung xăng, dầu trong nước. Ảnh minh họa.
Trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng đây là một tín hiệu rất tốt và nếu chiến sự không xảy ra, không chỉ giá xăng dầu mà giá vàng thế giới sẽ tiếp tục đà giảm: “Thời gian gần đây, giá xăng, dầu vốn dĩ đang trên đà giảm. Chỉ sau khi có thông tin về khả năng bùng nổ cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, giá dầu thô thế giới mới tăng vọt. Trong 2 ngày vừa qua, khi Nga đưa ra sáng kiến thiết lập kiểm soát quốc tế đối với vũ khí hóa học tại Syria và khả năng chiến sự không xảy ra, giá dầu thô lập tức đổi chiều giảm mạnh. Tôi cho rằng nếu sự vụ tại Syria vẫn theo chiều hướng tích cực thì giá còn giảm nữa”, ông Phong nói.
Về tác động tới giá xăng, dầu tại thị trường Việt Nam thời điểm này, theo ông Phong, cần phải chờ đến hết chu kỳ 30 ngày (khoảng 21/9), khi các cơ quan chức năng tính lại mức chênh lệch giữa giá bán cơ sở và giá bán hiện hành mới biết được giá xăng trong nước tăng hay giảm. "Nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục trên đà lao dốc như hiện nay thì chắc chắn giá bán trong nước cũng phải điều chỉnh theo", ông Phong dự đoán.
Liên quan đến những lo ngại về việc khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong nước nếu chiến sự Syria bùng nổ, ông Phong khẳng định điều này không đáng lo ngại bởi Syria không phải là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hơn nữa, nếu tình huống xấu nhất xảy ra thì theo đúng kế hoạch, cuộc tấn công chỉ diễn ra trong 3 ngày nên không đáng lo ngại.
Trên thực tế, sản lượng dầu mỏ của Syria đã bị giảm tới 95% kể từ khi cuộc xung đột tại đây bắt đầu vào mùa xuân năm 2011 chứ không phải đợi tới thời điểm Mỹ lên kế hoạch tấn công vào nước này. Bộ trưởng Dầu mỏ Syria, Suleiman Abbas từng thừa nhận, sản lượng dầu thô đã giảm xuống còn 20.000 thùng/ngày so với 380.000 thùng/ngày trước tháng 3/2011, sản lượng khí đốt tự nhiên của Syria cũng giảm một nửa trong cùng thời gian và hiện mỗi tháng chính phủ Syria phải chi 500 triệu USD nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ.
Hiện Việt Nam đang nhập khẩu xăng, dầu chủ yếu từ các quốc gia Singapore, Đài Loan, Thái Lan…Theo thống kê, lượng xăng dầu nhập từ Singapore chiếm đến 41,4% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam, Đài Loan chiếm gần 16%, còn Thái Lan chiếm 7,3%.

 

Nguyên Đan

Bình luận(0)