|
Phương Tây chuẩn bị tấn công Syria đang gây ra bão giá dầu trên thế giới.
|
Giá dầu thô đạt mức trần trong vòng 4 tháng qua, sau khi có thông tin phương Tây đe dọa không kích Syria. Chỉ trong hai ngày, giá dầu tăng 5% lên 117 USD/thùng. Đây là sự cảnh báo nghiêm túc của thị trường, vài ngày tới giá nguyên liệu chiến lược này có khả năng tiếp tục biến động mạnh.
Các nhà sản xuất và giới kinh doanh dầu mỏ vội vã đặt cược, chuẩn bị cho những thang giá mới. Theo chuyên gia Societe General, giá dầu có thể lên đến 150 USD nếu Mỹ không kích Syria. Phải chăng người ta chấp nhận trả mức giá 150 USD/thùng để lôi kéo các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông vào cuộc xung đột. Đây không phải là một điều viễn tưởng.
Chuyên gia Vladimir Rozhankovsky, giám đốc bộ phận phân tích Tập đoàn đầu tư Nord Capital, nhận định: “Tất nhiên, Syria không sản xuất nhiều dầu. Nhưng Syria lại nằm trên vùng giao cắt các tuyến thương mại dầu mỏ. Syria gần Iran và Iran cũng là một yếu tố nhạy cảm”.
Việc Iran bị hút vào hành động quân sự sẽ kéo theo triển vọng gián đoạn nguồn dầu từ Vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz. Hàng ngày, 1/5 khối lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua khu vực này. Xuất khẩu dầu thô từ Iraq cũng sẽ không tránh khỏi tổn thất.
Giám đốc bộ phận phân tích của công ty đầu tư Region, ông Valeria Vaisberg, chia sẻ dự báo về giá dầu mỏ trong những ngày đầu tiên nếu phương Tây can thiệp vào Syria: “Nếu xung đột quân sự chuyển sang giai đoạn tích cực, chúng ta sẽ thấy giá dầu ở mức 120 USD hoặc nhỉnh hơn chút. Tuy nhiên, có lẽ thời gian này không kéo dài. Tình hình đã từng diễn biến như vậy sau các sự kiện ở Libya và Ai Cập”.
Vấn đề được quan tâm không chỉ là thời gian sẽ diễn ra các hoạt động quân sự Mỹ và NATO tại Syria. Khả năng xung đột đạt cấp độ can thiệp quân sự của Mỹ đã làm hoang mang các nhà đầu tư ở loạt thị trường đang phát triển. Tiếng chuông đầu tiên reo tại UAE. Chỉ số sàn chứng khoán Dubai đã giảm 7%.
Hầu hết các nền kinh tế đang phát triển đồng thời là nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này sẽ là những đối tượng đầu tiên hứng chịu cơn “bão dầu” xuất phát từ Syria. Thị trường Ấn Độ đã cho thấy biểu hiện dao động. Ấn Độ nhập khẩu 80% sản phẩm dầu và trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng tăng, đồng rupee Ấn Độ tụt xuống mức thấp nhất 20 năm trở lại đây.
Theo ông Vladimir Rozhankovsky, việc Mỹ đánh bom Syria cũng sẽ làm Trung Quốc càng thêm đau đầu: “Đối với Trung Quốc, dầu tăng giá dài hạn là điều rất nguy hiểm. Trung Quốc vừa mới bước ra khỏi xu hướng giảm tốc tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu vô cùng quan trọng lúc này của họ là duy trì tăng trưởng GDP 7,5%/năm. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định hướng phấn đấu này tại Đại hội 18”.
Giá dầu cao lại có lợi cho Mỹ. Công nghệ đá phiến cho phép Mỹ giữ giá xăng dầu nội địa thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới. Đây là ưu thế bổ sung của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia được các chuyên gia Nga dự đoán có thể chiếm ngôi vị nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ sau 5 năm nữa.
Hạn chế Trung Quốc tiếp cận nguồn nguyên liệu Trung Đông và châu Phi đang trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của Mỹ. Mỹ đã thành công trong việc ném bom Libya, đẩy Sudan tan rã thành hai quốc gia. Rõ ràng, Mỹ hy vọng dùng tên lửa Tomahawk ở Syria để đồng thời đánh đối thủ địa chính trị chính là Trung Quốc.