“Bóc trần” chiêu phù phép đồ ôi thiu thành... đặc sản

Google News

(Kiến Thức) - Sử dụng hóa chất, phụ gia nguồn gốc không rõ ràng, cộng với chút thời gian gia công, những đồ ôi thiu cả tháng trời bỗng chốc biến thành tươi ngon, bắt mắt.

Đồ ôi + hóa chất = đồ tươi ngon

Nhiều người đã biết đến công thức chế biến, phù phép này nhưng vì ngon, họ vẫn bỏ qua những vấn đề sức khỏe gặp phải nên vẫn ăn ngon lành. Với phương châm "không bao giờ chịu lỗ" của các chủ nhà hàng, quán xá, bằng mọi cách, những người này sẽ tận dụng những nguyên vật liệu mà có thể đã sử dụng trước đó cả tháng trời để làm mới, bán cho khách hàng. Việc làm mới này không phải là quá mất thời gian vì chỉ cần bỏ một chút công sức, cộng với những hóa chất sẵn có, là có ngay món ăn tươi ngon, hấp dẫn.

 Vịt quay được quét bằng mạch nha vừa rẻ lại có hiệu quả cao

Phải kể đến công nghệ tẩm ướp, chế biến đáng sợ của món vịt quay mà nhiều người vẫn coi là đặc sản. Để dùng lại những con vịt không bán hết trong một ngày, một tuần hoặc thậm chí một tháng, đầu bếp sẽ đánh bóng lớp da vịt bên ngoài để che mắt khách hàng. Nếu các nhà hàng có uy tín sẽ dùng mật ong để tạo màu tự nhiên cũng như độ ngọt cho thịt vịt bên trong, thì những nhà hàng, quán xá bình thường sử dụng mạch nha trộn với bột nghệ để “trang điểm” cho màu của vịt. Đây không phải là thứ phụ gia có trong danh mục chất cấm, giá thành rẻ, mang lại hiệu quả cao nên được dùng có phần công khai hơn. Chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/lít, người dùng đã có thể nhuộm màu cho hàng trăm con vịt.

 "Bí quyết" sử dụng vịt quay đi quay lại nhiều lần mà vẫn giòn, tươi

Một đầu bếp của một nhà hàng ở Mỹ Đình I, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, vịt sau khi tẩm ướp được treo lên móc, quét đều tay mạch nha, để khoảng 15 phút cho khô rồi quét lại. Cứ thế khoảng 3 lần là hoàn thành công đoạn. Tuy nhiên, với cách làm này, thịt vịt bên trong không có độ đằm, da vịt lại dễ bị cháy, lớp da sau khi hết mỡ bị nguội sẽ chùng xuống, rách, nhìn không đẹp mắt.

Vì thế, các chủ hàng vịt vỉa hè truyền tai nhau bí quyết giữ độ giòn của vịt là sau khi quay lần một sẽ treo lên cho chảy hết nước mỡ, rồi dùng quạt thổi nguội và cho vào tủ đá. Khi cần thì lấy vịt từ tủ lạnh ra, lấy mỡ quét cho bóng rồi mang quay, đảm bảo vịt vẫn giòn mà ngon ngọt.

Đối với những ai "nghiền" món thịt bò viên thì sẽ phải rùng mình với khâu chế biến siêu bẩn, siêu tạp này. Món ăn khoái khẩu của nhiều người lâu nay lại được làm bằng đủ thứ nguyên liệu tạp nham rẻ tiền, chứ không phải chỉ từ thịt trâu, bò như nhiều người nghĩ.

Nguyên liệu thực chất là mớ thịt nát, gân, lòng và bạc nhạc có dính chút thịt. Đôi khi, còn có cả những con giun sán màu trắng đục mà nếu chúng không ngóc đầu ngọ nguậy thì ai cũng tưởng là gân bò. Ngoài ra, còn có thịt lợn vụn, mỡ lợn và có cả mỡ cá tạp được trộn lẫn với nhau làm nguyên liệu chính.

 Thịt bò viên được chế biến bằng các loại thịt vụn, mỡ tạp và hóa chất

Theo chủ cơ sở chế biến thịt bò viên ở quận 8, Bình Tân và Gò Vấp, TP.HCM thì những nguyên liệu trên được ngâm trong thùng nước có pha sẵn hóa chất được gọi là bột săm pết để thịt trở nên hồng hào, săn chắc. Sau đó, hỗn hợp nguyên liệu được cho vào máy cắt vụn, nghiền nát.

Cùng với bột tạo dẻo, bột tạo dính, bột tạo săn chắc làm cứng, bột độn, bột bảo quản, bột tạo trắng, hàn the, hương bò, hương nước mắm, hương tỏi, đường hóa học, muối đỏ, bột ngọt và màu thịt bò sẽ tạo nên những viên thịt bò viên "tươi ngon". 

Ôxy già vốn dĩ vẫn được nhiều người biết đến với tác dụng sát trùng vết thương. Thế nhưng, vì lợi nhuận, muốn hút mắt người mua, một số chủ kinh doanh không có lương tâm, đã sẵn sàng dùng nó để tẩy trắng bì lợn.

Chủ cơ sở ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM thừa nhận, ngâm bì lợn trong ô xy già nửa giờ rồi vớt ra và ngâm tiếp vào phèn chua để được bì trắng và giòn. Còn chủ cở sở ở bến Bình Đông thì cho biết, ngoài ô xy già, còn dùng cả hóa chất tẩy trắng công nghiệp. 

 Bóng bì được phơi trên mái nhà, dưới sân đất  

Những cơ sở sản xuất bóng bì ở thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cũng dùng ô xy già để làm trắng bì lợn. Bì lợn được thu gom từ khắp các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ về tập kết ở thôn đến ruồi bâu kiến đổ, rồi được cạo hết lớp mỡ, ngâm trong thùng ô xy già từ 2-3 tiếng rồi chế biến, mang phơi khắp đường làng ngõ xóm.

Những ai đã cố gắng làm bánh bao sẽ đặt câu hỏi làm thế nào để có thể trắng được như bánh bao mua ở hàng. Đó chính là "bí quyết" của những người kinh doanh, họ dùng chất tẩy trắng để tẩy màu nhờ nhờ của bột mì.

 Công đoạn làm trắng bánh bao thật hãi hùng

Loại bột tẩy trắng bánh bao có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá 70.000 đồng/kg. Còn gói bột xuất xứ từ Pháp có giá 115.000 đồng/kg. Lượng sử dụng 1 - 2 thìa cà phê/1 kg bột mì. Theo một người chuyên làm bánh bao, chất phụ gia dùng làm bánh bao trắng, xốp, nở bao gồm bột nở (giúp bánh nở theo kiểu hóa học, không làm thay đổi hương vị bánh), men nở (khiến bánh nở theo kiểu sinh học, bản thân men là các vi sinh nên sẽ làm thay đổi mùi vị của bột) và… bột tẩy trắng.

Mục sở thị tận cơ sở làm bánh, PV không khỏi giật mình khi thấy công nhân tay trần nặn bánh, nhân thịt lấy từ hàng ế và ngay cả trứng được để ở rổ không qua công đoạn lọc rửa, xưởng bánh ngổn ngang, bẩn thỉu.

Nguy hại khôn lường từ các "đặc sản"

Để hút mắt người tiêu dùng, nhiều người kinh doanh đã sẵn sàng “ra tay” bằng cách ngâm, tẩm, tắm… phụ gia cho thực phẩm nhằm có được màu sắc như ý muốn. Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng. 

Những chủ cửa hàng vịt quay sau một thời gian hứng mỡ vịt và gom góp lại sẽ đóng can và bán lại cho các nhà hàng và người tiêu dùng. Loại mỡ này thường được các nhà hàng cơm bình dân mua về xào nấu.

Theo thạc sỹ Đỗ Duy Hưng (Viện Công nghệ - Thực phẩm), thứ mỡ này là phế phẩm và không thể sử dụng cho bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, loại mỡ vịt quay này chứa nhiều loại a-xít béo bão hòa lại được "tôi luyện" liên tục ở nhiệt độ cao nên rất dễ dẫn đến hiện tượng các loại a-xít này bị ô-xi hóa. Nếu dùng thường xuyên thì rất dễ gây hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí là một trong những tác nhân chủ yếu gây ra các căn bệnh ung thư.

Nói về việc dùng ôxy già trong công đoạn làm bóng bì, PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, ô xy già chỉ có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, chứ không diệt hết được các loại vi khuẩn cùng mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu... nên nếu dùng phải loại bóng bì được chế biến từ những con lợn mang bệnh thì hậu quả rất khôn lường. 

Bên cạnh đó, việc sản xuất thủ công sẽ khiến các hộ gia đình lạm dụng việc dùng ôxy già để tẩy trắng bì lợn, như dùng nồng độ quá đậm đặc, thời gian ngâm tẩm quá lâu thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. 

“Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ô xy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ô xy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người", ông Thịnh cho hay.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết: Để tẩy trắng một số thành phẩm (như bột mì làm bánh bao) hoặc bảo quản hoa quả, các hộ sản xuất vẫn thường dùng đến chất tẩy trắng sunphit natri (Na2SO3). Sunphit natri tách ra thành SO2 là chất ô xi hóa mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột, có thể gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, đây là một chất gây độc, có khả năng gây niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, gây hại nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Và tất nhiên, nếu sử dụng thịt bò viên với công thức chế biến mất vệ sinih như trên, sức khỏe người tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đều là những món ăn khoái khẩu, nhưng nếu tận mắt chứng kiến những công đoạn chế biến này, liệu còn mấy ai dám ăn những đặc sản như vịt nướng, bóng bò, lòng lợn...

Một số cách chế biến thực phẩm kinh sợ khác:

- Tiết canh: Một số cơ sở dùng phân đạm bón rau làm chất phụ gia giúp tiết đông cứng, giữ màu đỏ tươi của món tiết canh.
- Đậu phụ: Trong quy trình làm đậu phụ, không ít cơ sở đã pha thêm thạch cao vào để sản lượng bánh đậu được nhiều hơn cũng như giúp đông cứng nhanh hơn.
- Ruốc: Một số cơ sở thu gom bã sắn dây về ép, phơi khô, đánh bông, tẩm gia vị, xào cho vàng, trộn với một ít ruốc thật để tạo nên ruốc nhái y hệt ruốc thật.
- Bún: Một số cơ sở đã dùng chất tẩy trắng, tăng độ dẻo dai có tên Tinopal để làm sợi bún trắng, dai.



Diên Lệ (TH)

Bình luận(0)