Đánh bóng lư đồng - Tết “hẹn”, lại lên

Google News

Đặc trưng của nghề "đánh bóng lư đồng" là bạn chỉ thấy những người làm nghề này mỗi dịp Xuân về.

Nghề chỉ có mỗi dịp Tết

Với người Việt, gia đình nào cũng có hương án với bát hương, đài rượu, bình hoa, chân đèn… là những vật gia bảo thiêng liêng. Mỗi năm khi tết đến, bất kỳ gia đình Việt Nam nào cũng thỉnh những vật gia bảo này xuống để con cháu làm mới.

Với bát hương, đài rượu, bình hoa… thông thường sẽ được lau rửa hoặc thay mới toanh tại nhà. Chỉ riêng bộ chân đèn (lư đồng) phải mang ra đường phố tìm những người thợ tiện “bất đắc dĩ” mỗi năm chỉ hành nghề một lần… nhờ tiện cho bóng loáng để trưng lên bàn thờ tổ tiên.

Những ngày giáp tết này, những người thợ tiện không chuyên lại thấp thoáng xuất hiện trên các tuyến phố, con hẻm, đường làng… để nhận đánh mới lư đồng cho người thân, họ hàng, bà con trong xóm. Hàng chục bộ chân đèn màu ánh kim phản chiếu óng ánh trên các tuyến phố, con đường kèm theo âm thanh gò hàn khét lẹt của người thợ tiện báo hiệu ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến rất gần.

 Một điểm đánh bóng chân đèn trên đường Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, ngày 29/1.

Tết năm nay tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) và một số vùng phụ cận của thành phố như xã Hòa Xuân, xã Hòa Thắng, phường Khánh Xuân… dịch vụ đánh bóng lư đồng xuất hiện khá sớm, người làm nghề này thường tập trung ở các con đường lớn, giao lộ, ngã ba hay ngã tư.

Qua tìm hiểu, những người thợ đánh chân đèn - cho biết, thực chất đây là nghề thời vụ, nghề “tay phải” mưu sinh trong ngày thường là hàn cơ khí, hàn hơi… Mỗi năm khi tết đến, tiện thể sẵn có bộ mô-tơ, lại biết chút ít về gò hàn nên tranh thủ mấy ngày trước tết nhận đánh mới lư đồng cho bà con.

“Ngày thường nghề của tui là hàn cơ khí, nhưng ngày tết nghề của tui là tiện mới bộ chân đèn. Tranh thủ làm thêm mấy ngày Tết chứ cái nghề này ngày tết người ta mới cần mình”, anh Tài (42 tuổi), đánh lư đồng trên giao lộ Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu (TP. Buôn Ma Thuột), cười nói cho biết.

Cũng qua tìm hiểu, thậm chí những người thợ đánh bóng lư đồng tuổi đời vẫn còn khá trẻ, có người hiện đang là sinh viên (SV) Đại học, Cao đẳng. Chiều 28/1, chúng tôi bắt gặp Minh (20 tuổi) - SV trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tất bật đánh lư đồng cho khách trên đường Phan Bội Châu (đoạn gần đình Lạc Giao). Minh cho biết, em học nghề đánh chân đèn đã được 2 năm do bố chỉ dạy, năm nay được nghỉ tết sớm nên Minh phụ giúp gia đình đánh lư đồng kiếm tiền sau tết đi học.

 Minh (20 tuổi) - SV trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM bên lư đồng mới đánh xong cho khách.

Nghề thời vụ… nhưng thu nhập cao

Sau một vòng khảo sát một số điểm đánh bóng lư đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chiều 29/1 (18 tháng Chạp), được biết bộ lư đại (cỡ lớn) giá trung bình từ 250.000 - 280.000 đồng/bộ; bộ trung có giá dao động 150.000 - 180.000 đồng/bộ; còn bộ tiểu (cỡ nhỏ) khoảng 80.000 đồng đến 120.000 đồng/bộ.

“Tôi mới làm được 3 ngày nay, trung bình mỗi ngày người dân đem lư đồng đến đây nhờ tôi đánh khoảng 5 đến 6 bộ. Tôi dự định làm cho đến 27 hoặc 28 tết thì nghỉ, nếu ngày nào cũng đều đặn như vậy chắc đến tết cũng kiếm được khoảng 4 - 5 triệu đồng. Công việc tuy cần sự tỉ mỉ, kiên trì nhưng ráng làm cũng có thu nhập để ăn tết và có tiền cho mấy đứa nhỏ đi học”, Anh Đào Hùng (44 tuổi, quê Bình Định) đánh chân đèn trên đường Phan Bội Châu, tâm sự. Anh Đào Hùng cho biết thêm, nghề này anh mày mò tự học từ lúc còn là thanh niên, đã duy trì liên tục trong 10 năm qua mỗi khi tết đến.

 Những bộ lư đồng cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ.

Trong khi đó, Minh cũng cho biết, qua 3 ngày làm nghề gia đình em cũng đánh được hơn bộ chân đèn các loại. “Trung bình mỗi ngày em nhận đánh khoảng vài bộ, bộ nào to, hoa văn nhiều thì mất khoảng 2 giờ mới đánh xong, bộ nào nhỏ, hoa văn đơn giản mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Gia đình em sẽ làm ở đây cho đến 28 tết, chắc đến đó cũng kiếm được vài triệu”, Minh cho hay.

Một số người hành nghề lâu năm cho biết, lư đồng có đến hàng trăm loại, khó đánh nhất là lư trúc vì có nhiều hoa văn chạm trổ tinh vi; dễ đánh nhất là lư tứ giác, lư tròn. Để cho lư đồng được sáng bóng, họ phải lao động cực kỳ chỉnh chu để tránh làm lư đồng biến dạng, xây xước, mô-tơ tỉ mỉ để đảm bảo độ sáng đồng đều. Để duy trì độ sáng lâu trên lư đồng, sau khi đánh bóng người thợ thường lau lại với tinh bột sắn và tiếp tục lau lại bằng vải sạch.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:
Theo Dân Trí

Bình luận(0)