|
Những lời mời chào của ''cò” đất ở khắp nơi trong nghĩa trang. |
Nghĩa địa ấy an táng người Trung Quốc (TQ). Người dân rỉ tai nhau nhiều chuyện huyền bí liên quan đến việc giấu của, yểm trấn của người TQ. Và cũng từ đó, những nông dân chân chất bỗng “lột xác” thành “cò” đất với không ít mánh khóe “ăn theo” người chết...
Chuyện kỳ bí không được kiểm chứng “bao quanh” nghĩa địa
Cựu Viên là khu nghĩa trang cũ thuộc xã Lãm Hà, nằm cách trụ sở UBND phường Bắc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng) không xa. Nhưng cái tên Cựu Viên hầu như người dân đất Cảng chẳng mấy ai nhớ. Chỉ khi nhắc đến cụm từ “nghĩa trang ngoại quốc” hay “nơi chôn người Tàu” là từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể chỉ dẫn cặn kẽ đường đi, lối lại.
Chị Hoa – một cư dân địa phương, tuổi ngoài 30 mở quán bán nước ngay trên lối dẫn đến khu nghĩa trang liến thoắng kể vô số điều kỳ lạ nhưng chủ yếu là chuyện chị nghe người ta nói lại. Theo người phụ nữ này, sở dĩ Cựu Viên được giới phong thủy, đặc biệt là những “thầy địa lý” người TQ “nhắm” nhiều là bởi nó có địa thế đặc biệt.
Với thế núi Thiên Văn chạy dài cùng vô số những khe nước nhỏ uốn quanh, hướng mặt ra sông Lạch Tray, khu đất được cho là một huyệt mộ ẩn tàng “lưng tựa núi, mặt hướng ra sông” tích tụ sinh khí “cát địa, phúc địa”. Cũng bởi quan niệm này nên nhiều người gốc TQ, mà chủ yếu tập trung tại “phố người Hoa” (Chợ Sắt – PV) đã chọn đây là nơi chôn cất.
Những người TQ tìm đến đặt nơi an táng ở Cựu Viên đầu tiên phải kể đến anh em nhà họ Lâm. Tên đầy đủ của người anh là Lâm Tắc và em là Lâm Phúc. Quanh khu mộ Lâm Tắc, lưu truyền không ít các câu chuyện trấn yểm đầy chất ma mị, huyễn hoặc.
Theo người dân trong vùng, khi anh em họ Lâm về xây huyệt mộ đã “yểm” trên đất này nhiều đồng nam, đồng nữ và vô số của cải quý báu?! Khoảng năm 2012 có một người phụ nữ gốc Hoa, theo học lái xe ở một trung tâm đào tạo gần khu vực Cựu Viên đã đến cất bốc những ngôi mộ này đi.
Cũng theo lời chị Hoa, trong quá trình di dời, một chuỗi vòng tay làm từ bạch ngọc đã rớt lại và người dân bản địa Lãm Hà vô tình nhặt được. Kỳ lạ ở chỗ, chiếc vòng cứ rơi vào tay ai là y như rằng người đó rơi vào cảnh khổ sở, bệnh tật như có “người âm” hành. Mãi đến khi người phụ nữ nọ đến lấy lại chiếc vòng thì nỗi ám ảnh mới dừng hẳn. Tuy nhiên, chị Hoa không nói những “nạn nhân” bị “âm hành” ấy là ai.
Có một điều đặc biệt mà chị Hoa cũng như cư dân sống quanh khu nghĩa trang này đều biết đó là cách đây hai thập kỷ, ở nghĩa trang Cựu Viên ổi mọc bạt ngàn. Nghĩa là, thay vì trồng các loại cây phong thủy cho nơi an táng như: cau, thông, hoa đại…, thì thuở ấy trên những ngôi mộ người TQ chỉ có ổi.
Mỗi khi người TQ muốn tìm gia phả, mộ cốt của người trong dòng tộc, họ sẽ dựa vào vị trí cây cối trồng quanh mộ. Và ngôi mộ ông Lâm Tắc cũng không ngoại lệ. Người dân đoán rằng những gốc ổi trước mộ của người TQ ở Cựu Viên đã được yểm bằng một phương pháp đặc biệt khiến họ chỉ cần bứt một vài lá cây, ngửi mùi, quan sát các điểm cây mọc là sẽ đoán biết chính xác vị trí táng huyệt.
“Ăn theo” đất nghĩa trang
Những điều kỳ bí thường là truyền miệng, khó kiểm chứng nhưng thực tế mà người địa phương đều thấy là trong nghĩa địa Cựu Viên, giá cả đất chôn có sự phân biệt và chênh lệch lớn. “Cò” đất nghĩa trang đã “ăn theo” những câu chuyện phần nhiều là huyễn hoặc ấy để “thổi” giá lên.
Nếu như khu vực phía chân núi có giá từ 3 – 5 triệu đồng/m2 thì ở khoảng đất sát với núi Thiên Văn giá đất được “đội” lên tới 15 triệu đồng/m2.
|
''Cò'' Tính đang mời chào mua đất nghĩa trang. |
“Cò” Tính – một phụ nữ tuổi ngoài 50, chuyên “mối lái” đất mộ ở Cựu Viên cho biết: Hiện diện tích đất để an táng tại nghĩa trang này còn rất ít và đều được phân chia thành các lô. Những lô đất thường nằm rải rác, xen kẽ với mộ cũ, diện tích nhỏ là 8 – 10m2, lớn có thể lên tới 20 – 40m2.
Dĩ nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu khách mua, “cò” đều đáp ứng, miễn có sự “chung chi” hợp lý. Cũng theo “cò” thì nên chọn những khu đất có giá cao vì nó thường là đất “sạch” (chưa có mộ cốt chôn trước đó – PV) riêng loại đất giá “tầm tầm” thì thường là đất “bẩn”, thiếu vuông vắn.
Ở Cựu Viên có hàng chục “cò” đất như “cò” Tính, “cò” Miên, “cò” Long… Họ dán các số điện thoại mời chào mua bán đất khắp khu nghĩa trang, chật kín những dãy mộ. Những “cò” đất này đều là cư dân bản địa và chuyên “ăn theo” các dịch vụ mai táng như sản xuất bia mộ, vòng hoa, dọn dẹp vệ sinh…
Năm 2001, chính quyền quận Kiến An đã tiến hành xây dựng đề án quy hoạch và tôn tạo lại khu vực nghĩa trang Cựu Viên. Theo quy định, khu vực này chỉ được phép tiếp nhận những trường hợp người chết là cư dân địa phương. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tiếp cận những “đại lý” bán đất, chúng tôi đều nhận được khẳng định là: Dù là người ngoại quốc hay người Việt không phải cư dân bản địa thì đều có thể chôn cất ở Cựu Viên. Nếu giá cả hợp lý thì các “đại lý” sẽ lo phần thủ tục đối phó với chính quyền.
“Nếu có nhu cầu tôi sẽ lo cho toàn bộ, từ việc báo cáo với chính quyền đến việc thu dọn cỏ rác, hương khói ngày rằm. Mỗi tháng chỉ cần trả 1 triệu rưỡi cho các thủ tục ấy thôi, rẻ lắm, do có người quen làm ở phường nên giá mới “mềm” như thế đấy, anh cứ suy nghĩ, không có chỗ nào rẻ hơn chỗ tôi đâu” - “cò” Tính tiếp thị.
Vấn đề mồ mả ở Cựu Viên dường như thuộc diện “nhạy cảm” nên chính quyền phường Bắc Sơn khá e dè khi trao đổi với phóng viên. Ông Nguyễn Ngọc Chiến, cán bộ quản lý đô thị phân bua: “Để tăng tính hiệu quả trong công việc và tổ chức cán bộ nên quận Kiến An luân chuyển cán bộ liên tục. Tôi cũng mới chuyển từ phường Đồng Hòa đến nên vấn đề nhà báo hỏi cũng không nắm rõ lắm”.
Về việc các “cò” đất phát triển nhộn nhịp trong khi sự quản lý của địa phương lơi lỏng, ông Nguyễn Ngọc Chiến phủ nhận. “Diện tích đất đang được trao đổi, mua bán ở Cựu Viên là một phần rất ít diện tích đất nông nghiệp giao cho các hộ dân. Nó nằm xen kẽ ở những mộ chôn, nói chung thời điểm hiện tại có thể nói diện tích đất thuộc nghĩa trang đã hết. Quận Kiến An có điểm để san bớt “gánh nặng” cho việc chôn cất là khu nghĩa trang thuộc phường Văn Đẩu. Riêng việc tiền nong tôi không nắm được, còn Cựu Viên này nói chung là bé và đã đóng cửa” - ông Chiến nói.