Video học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng bị ngộ độc sau khi ăn sữa chua Dutch Lady. (Nguồn: VTV)
Ngày 14/12, khoảng 30 học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bị đau đầu, chóng mặt, nôn ói, phải đi cấp cứu sau khi
ăn
sữa chua Duch Lady.
Trước sự hoang mang của dư luận, đại diện của Công ty FrieslandCampina Việt Nam lý giải với báo chí: Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc có thể là do các cháu chưa ăn sáng, nên sau khi sử dụng sữa chua đã gây dị ứng men lactose trong sữa. Liệu trần tình này của doanh nghiệp có hợp lý và thuyết phục người tiêu dùng? Kiến Thức xin trích dẫn một vài ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về việc ăn sữa chua khi đói.
|
Nhiều học sinh chóng mặt, nôn ói được đưa đi cấp cứu, sau khi được ăn sữa chua Duch Lady miễn phí. |
Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng đã khẳng định, không nên cho trẻ em ăn sữa chua khi đói bởi khi bụng đói, độ axit trong dạ dày lớn, ăn sữa chua vào axit lactic sẽ giết chết hết axit trong dạ dày, không tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa của trẻ.
Tuy nhiên, một bác sĩ chống độc Bệnh viện Bạch Mai (xin giấu tên) cho biết, tình trạng dị ứng sữa chua thường ít khi xảy ra dù cho trẻ ăn sữa chua khi đói. Thông thường, dị ứng sữa chua chỉ xảy ra rất ít ở những người có cơ địa dị ứng.
Với trường hợp hàng chục học sinh ăn sữa chua Dutch Lady dị ứng tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, đau bụng, nôn mửa - mà Công ty FrieslandCampina Việt Nam (hãng Dutch Lady) lên tiếng giải thích rằng, do các em học sinh chưa ăn sáng nên bị dị ứng với men lactose trong sữa - là khó có thể xảy ra. Trường hợp nếu có thì cũng khó có thể khiến hàng loạt trẻ dị ứng, phải nhập viện như trên.
Về các trường hợp dị ứng lactose, không dung nạp lactose, theo Bác sỹ Nguyễn Thị Yến, Nguyên Phó Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung Ương, có 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng không dung nạp lactose ở trẻ em đó là nguyên nhân bẩm sinh, nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. Dị ứng lactose do bẩm sinh xảy ra khi trẻ sinh ra hoàn toàn không sản xuất được men lactase để tiêu hóa đường lactose trong sữa. Trường hợp này rất hiếm gặp và trẻ phải sử dụng hoàn toàn sữa không lactose.
Bác sĩ Yến khẳng định, tình trạng dị ứng lactose do nguyên nhân nguyên phát cũng thường xảy ra, nhưng tùy vào độ tuổi hoặc chủng tộc mà tỉ lệ trẻ không dung nạp lactose khác nhau.
Nguyên nhân thứ 3 những trẻ không dung nạp lactose thoáng qua do nguyên nhân thứ phát, thường gặp ở những trường hợp bị tổn thương ruột non sau viêm dạ dày, tổn thương ruột do siêu vi... Những trẻ này khi uống sữa, ăn bơ sữa dễ gặp phải vấn đề như đau bụng, tiêu chảy, chướng bụng. Với nhóm trẻ này, chúng có thể ăn sữa và chế phẩm từ sữa bình thường sau khi những vấn đề đường ruột được chữa khỏi...
|
Trẻ có thể bỗng dưng bị không dung nạp lactose do đang mắc bệnh viêm dạ dày, ruột do nhiễm siêu vi. |
Như vậy, theo lý giải trên của bác sĩ Yến, có thể hiểu rằng, nếu không bị dị ứng lactose bẩm sinh, trước đó trẻ vẫn uống sữa, ăn chế phẩm từ sữa bình thường, thì trẻ chỉ có thể bị dị ứng đường lactose khi ăn sữa chua nếu đang mắc bệnh hoặc có vấn đề đường ruột do nguyên nhân nguyên phát.
Như vậy, việc hàng chục học sinh bị dị ứng lactose do ăn sữa chua Duch Lady nêu trên - theo giải thích của Công ty FrieslandCampina Việt Nam - có lẽ phải đang mắc bệnh hoặc có vấn đề đường ruột? Câu trả lời này chắc phải chờ xác nhận từ phía bệnh viện và Công ty FrieslandCampina Việt Nam!
Trao đổi với Kiến Thức, PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng xác nhận: Đa số người Việt Nam bẩm sinh thiếu men đường ruột beta-galactosidase, khó tiêu hóa được lactose trong sữa nên khi uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa dễ bị đau bụng tiêu chảy.
"Riêng với sữa chua, thành phần đường lactose đã được chế biến lên men thành các axit amin lợi khuẩn, nên ngay cả những trẻ khó dung nạp lactose cũng hoàn toàn có thể ăn sữa chua mà không bị dị ứng, tiêu chảy", PGS TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.