Đó là nội dung được đưa ra tại cuộc họp triển khai lộ trình phân phối xăng E5 do Sở Công Thương TP HCM chủ trì với sự tham dự của các doanh nghiệp (DN) và các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Không thể khuyến khích suông
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP, trên địa bàn có 9 DN đầu mối và 6 tổng đại lý xăng dầu với 514 cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Thời điểm tháng 11/2014, TP có 58 cây xăng có kinh doanh xăng E5 nhưng sau 7 tháng triển khai thí điểm, chỉ phát triển thêm 2 điểm mới nhưng lại có tới 5 điểm ngừng kinh doanh. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 đạt bình quân 4.523 m3/tháng, chiếm 3%/tổng lượng xăng dầu cung ứng của TP.
|
TP HCM chính thức chuyển đổi từ xăng khoáng A92 sang xăng E5 từ ngày 30/11. |
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP, công tác phát triển mạng lưới cửa hàng bán xăng E5 chưa đạt kế hoạch đề ra do chi phí đầu tư, nâng cấp lớn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp, chi phí thu hồi chậm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN nên chưa khuyến khích họ tích cực thực hiện.
Tuy nhiên, TP vẫn quyết tâm thực hiện theo đúng lộ trình phân phối xăng E5 đã được Chính phủ đưa ra. Theo đó, đến ngày 30/9, 171 cửa hàng trực thuộc DN đầu mối và tổng đại lý sẽ triển khai thực hiện trước, đến ngày 30/11 thì 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ phải bán xăng E5 thay vì bán song song với xăng khoáng A92 như hiện nay.
Để thực hiện được điều này, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị sản xuất cung ứng đủ lượng xăng E5 cho thị trường. Các DN đầu mối, tổng đại lý phải đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân viên hiểu rõ về xăng E5 để phục vụ khách hàng.
TP sẽ mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng hiểu và yên tâm sử dụng xăng E5 thay thế cho xăng khoáng A92. Đồng thời phát động cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức, các hiệp hội, DN ưu tiên sử dụng xăng E5.
Sở Công Thương cũng đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ phân phối xăng E5 trên toàn quốc (thay cho việc thí điểm ở 7 tỉnh, thành như hiện nay); có các chính sách ưu đãi, giảm giá bán E100 (cồn ethanol), xăng E5 so với xăng khoáng A92 để hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông xăng E5.
Triển khai đồng loạt 100%
Tuy nhiên, theo các DN, việc chia 2 giai đoạn chuyển đổi từ bán xăng khoáng A92 sang xăng E5 sẽ không bảo đảm khả thi và tính công bằng trong kinh doanh. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, cho rằng với người tiêu dùng đã quen sử dụng xăng khoáng A92 thì mức giá xăng E5 chỉ rẻ hơn 300 đồng/lít là chưa hấp dẫn họ.
Còn đối với nhà sản xuất, trong xu thế giá xăng dầu đi xuống như hiện nay, sản xuất xăng E5 không có hiệu quả kinh tế, nếu tính cùng mức chiết khấu cho đại lý thì DN đầu mối bị lỗ 200 đồng/lít. Đối với cửa hàng, nếu muốn bán thêm xăng E5 lại phải đầu tư thêm bồn chứa, trụ bơm trong khi mức tiêu thụ thấp không thể hấp dẫn họ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, đại diện Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi, nếu buộc các cây xăng trực thuộc tổng đại lý và DN đầu mối xăng dầu tiên phong bán xăng E5 trong khi các cửa hàng tư nhân được tùy chọn thì khách sẽ đổ dồn sang những nơi còn bán xăng khoáng A92, bất công cho những cây xăng đi trước.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương và các DN đã đi đến thống nhất sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp mà sẽ triển khai đồng loạt 100% các cửa hàng, không phân biệt cửa hàng trực thuộc hệ thống hay độc lập bên ngoài. Việc bắt buộc kinh doanh xăng E5 thay xăng khoáng A92 cũng sẽ giúp các cửa hàng thuận lợi trong kinh doanh vì chỉ thực hiện chuyển đổi mặt hàng và một số thiết bị, không phải đầu tư thêm để kinh doanh xăng E5.