Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và hai đối tác là Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn BRG đã thành lập Công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam. Theo dự kiến, khi hoàn thành, tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới - 636m sẽ cao hơn 2m so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Skytree (cao 634m). Thông tin này nhanh chóng gây "bão" dư luận với nhiều ý kiến đa chiều về dự án đồ sộ này.
|
Dự kiến sau khi hoàn thành, tháp truyền hình Việt Nam sẽ "soán ngôi" cao nhất thế giới của tháp Tokyo Skytree. Ảnh tháp Tokyo Skytree. |
Xây dựng tháp truyền hình thời điểm này là lạc hậu
Trao đổi với phóng viên Kiến Thức, GS. TS – nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Đăng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Việc xây tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới lúc này là lạc hậu, đi ngược xu hướng. Theo ông, cần nhận diện rõ, việc xây tháp truyền hình nhằm mục đích gì? Nếu như trước đây, việc xây dựng tháp truyền hình càng cao là để độ phủ sóng truyền hình xa và rộng. Ngoài ra, một số quốc gia tận dụng công trình này để cho du lịch, kinh doanh, tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi mà truyền hình cáp, tín hiệu vệ tinh, công nghệ phát triển, việc xây tháp cao như vậy để phủ sóng truyền hình là không hợp lý. Tại sao chúng ta lại đi vào con đường cũ của hàng chục, thậm chí cả trăm năm trước mà các nước đã sử dụng. Công trình liệu có vì mục đích của ngành hay chỉ chạy theo kỷ lục?”.
Từng có nhiều năm và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vị GS.TS cũng bày tỏ sự không đồng tình với mức chi phí quá lớn dành cho công trình này. Theo ông, với một quốc gia còn nhiều khó khăn về kinh tế, việc sử dụng 900 triệu USD, đến 1,3 tỉ USD để xây tháp là lãng phí, trong khi, chúng ta có thể tập trung đầu tư cho các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, giao thông.
Trao đổi với Kiến Thức về việc có nên xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Việt Nam, KTS Nguyễn Đức Thuận (công ty Hồ Thiệu Trị và cộng sự) bày tỏ quan điểm: “Cần phải bàn thêm rất nhiều về sự cần thiết của dự án, hiệu quả kinh tế mà dự án có thể đạt được. Minh chứng ở Việt Nam có khá nhiều tòa nhà xây “chọc trời” với mục đích thu hút người thăm quan, mua sắm như Keangnam, Lotte, Bitexco. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả thu hút khách có thực sự nằm ở các yếu tố như tòa nhà đó đồ sộ, cao đạt kỷ lục?”.
Bên cạnh đó, xu thế chung của thế giới, đặc biệt là các công trình xây dựng, kiến trúc không còn chạy đua về kỷ lục cao nhất thế giới, to nhất mà là sự chạy đua của công năng, thẩm mỹ, sự phù hợp với văn hóa, yếu tố phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Còn nhiều yếu tố phải bàn đến, nhất là với một công trình “khủng” về quy mô và cả tiền đầu tư xây dựng. Việc đề xuất lựa chọn địa điểm xây dựng dự án tháp truyền hình tại khu đô thị mới Hồ Tây có theo quy hoạch chung không? Có ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực xây dựng hay không là điều cũng nên bàn tới?”.
Tháp truyền hình có mang lợi cho dân?
Bên cạnh tham vọng xây tháp truyền hình tầm vóc quốc tế, VTV xin cho dự án tháp truyền hình được miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng phải hoàn trả lại Nhà nước… Yêu cầu này cũng gây “bão” tranh luận khộng kém các con số về chiều cao, mức đầu tư đổ vào tháp truyền hình. Nhiều quan điểm cho rằng, dù xây dựng công trình này bằng nguồn vốn nào cũng là nguồn lực của toàn xã hội, là tiền của của dân, cần có sự nghiên cứu kỹ càng và đặt lợi ích của người dân lên trên. Việc xin ưu đãi này là không hợp lý.
Thái Linh (Một nhân viên kinh doanh) cũng không ngần ngại bày tỏ: “Quỹ đất là 14,5 ha đất đô thị, nhưng VTV đề xuất xin lên 49 ha. Chưa kể, dự án này còn xin miễn gần hết các thứ thuế. Trước giờ chỉ nghe xin ưu đãi công trình xã hội, công trình phúc lợi, chưa nghe ưu đãi… tháp truyền hình bao giờ. Việc xây các tổ hợp nhà hàng, khu kinh doanh tại tháp truyền hình sẽ mang lại lợi VTV, vậy người dân được lợi gì?”.