Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án lọc hoá dầu đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành thương mại được 7 năm. Trong suốt 7 năm vận hành nhà máy đã nhận được hàng loạt ưu đãi nhưng vẫn bị thua lỗ lớn.
Nhiều ưu đãi "khủng" dành cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Đi vào vận hành thương mại từ tháng 2/2009 đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận được hàng loạt ưu đãi rất lớn: thời gian khấu hao dự án là 20 năm (dài hơn thời gian 15 năm nêu trong Báo cáo nghiên cứu khả thi), được hưởng mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%.
|
Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhận được hàng loạt ưu đãi rất lớn từ khi đi vào vận hành thương mại.
|
Từ năm 2009, sau đó là năm 2012, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện
cơ chế cho Dung Quất được giữ lại một “giá trị ưu đãi” theo mức thuế nhập khẩu (3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với khí LPG, 7% đối với xăng dầu). Có nghĩa trước khi bán ra thị trường, sản phẩm của Dung Quất được cộng vào giá bán 3-7% thuế nhập khẩu (tùy sản phẩm)...
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được giữ lại là rất lớn. Cụ thể, năm đầu tiên khi đi vào hoạt động, Dung Quất được giữ lại tới trên 3.300 tỉ đồng. Năm 2011 thấp nhất cũng đạt 1.836 tỉ. Cao nhất là năm 2014, Dung Quất được giữ lại tới trên 7.000 tỉ. Từ năm 2010 - 2014, tổng “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được hưởng từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, Dung Quất đã được hưởng rất nhiều ưu đãi khác như: miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm; hưởng ưu đãi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, thấp hơn nhiều so với mức thuế mà các doanh nghiệp trong khu kinh tế Dung Quất được hưởng, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Dự án còn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% suốt đời dự án công nghệ cao; miễn thuế đất trong 15 năm; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người có thu nhập cao…
Tháng 6/2015, PVN tiếp tục kiến nghị lên Chính Phủ khi muốn gia hạn những ưu đãi trên đến năm 2027. Nếu được thông qua, các chính sách "đỡ đầu" cho Dung Quất sẽ kéo dài tới 17 năm.
Những khoản lỗ lớn của Dung Quất
Tuy nhiên, nếu không nhờ cơ chế ưu đãi, được giữ lại một phần thuế nhập khẩu, Dung Quất đã lỗ tổng cộng 27.600 tỷ đồng kể từ khi được đưa vào vận hành thương mại.
|
Từ năm 2010-2014, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng nếu không có cơ chế ưu đãi "khủng".
|
Đầu tư lớn, công sức bỏ ra cũng không nhỏ, đồng thời nhận được hàng loạt ưu đãi của Nhà nhước nhưng Dung Quất vẫn khiến dư luận hoài nghi về hiệu quả thực của dự án khi doanh nghiệp thua lỗ triền miên.
Trong một báo cáo gửi lên Chính phủ giữa năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiết lộ mức lỗ "khủng" của nhà máy Dung Quất từ khi đi vào vận hành. Năm 2010, công ty lỗ gần 3.200 tỷ đồng, năm 2011 lỗ gần 4.800 tỷ đồng. Năm 2012, năm 2013 lần lượt lỗ trên 6.400 và 6.000 tỷ đồng. Năm 2014, Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ 7.136 tỷ đồng. Lũy kế từ khi đi vào vận hành thương mại, đơn vị này lỗ khoảng 27.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, những khoản ưu đãi giữ lại thuế nhập khẩu đã giúp gánh bớt lỗ cho Dung Quất, khi đơn vị này chỉ còn lỗ 1.300 - 3.000 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012, trước khi hạch toán lãi gần 3.000 tỷ vào năm 2013 nhờ được giữ lại tới 8.856 tỷ đồng.
Năm 2014, doanh nghiệp cũng được giữ lại gần 7.200 tỷ đồng song do giá dầu thô lao dốc mạnh, công ty phải trích lập 1.900 tỷ đồng nên hạch toán chỉ lãi gần 150 tỷ. Như vậy, dù có ưu đãi nhưng Bình Sơn vẫn lỗ tổng cộng 1.048 tỷ đồng kể từ khi đưa vào vận hành.
Năm 2015, công ty thông báo lãi 6.000 tỷ đồng, song con số này cũng phần nhiều đến từ việc nhận ưu đãi thuế.
Còn nếu tính sòng phẳng, loại trừ trợ giá bằng thuế ra khỏi giá sản phẩm thì cũng từ năm 2010 - 2014, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là PVN cấp bù chừng đó tiền cho Dung Quất. Và số tiền cấp bù cho Dung Quất được hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của PVN.
Như vậy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành từ những năm giá dầu thế giới cao, cộng với hàng loạt ưu đãi mà còn thua lỗ thì khi giá thế giới giảm sâu, cơ chế ưu đãi vẫn tồn tại nhưng bị thị trường (ở đây là lộ trình thực hiện các FTA) “vô hiệu hóa”, việc thua lỗ thực tế còn lộ ra rõ hơn.