Doanh nhân được ví như người lính xung kích, đi đầu trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế, đã có ý kiến cho rằng, liệu hậu phương của họ là ai, ai sẽ phục vụ những người lính này, hậu phương có dành “tất cả cho tiền tuyến” như cuộc chiến giành độc lập năm xưa?
Người lính năm xưa xác định được kẻ thù rõ ràng, sẵn sàng đổ máu, hy sinh vì quê hương, luôn được tôn vinh. Doanh nhân ngày nay kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận cho mình, đóng thuế, tạo công ăn việc làm cho xã hội... Doanh nhân bắt buộc phải năng động, sáng tạo, kiên trì, tối đa hóa thu nhập, tối thiểu hóa chi phí. Cho dù có một lương tâm trong sạch nhất, ranh giới giữa vi phạm pháp luật và không vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh rất mong manh. Doanh nhân còn cần sự dũng cảm, dám chấp nhận, không chỉ thua lỗ và phá sản, không ít doanh nhân đã lâm vào cảnh tù đày.
Vụ án bầu Kiên đã cho thấy nhiều trái ngang của nghiệp kinh doanh.
Rủi ro vô hình?
Về hành vi góp vốn, mua cổ phần không có đăng ký kinh doanh bị kết luận là kinh doanh trái phép, luật sư Bùi Quang Nghiêm đã nêu cách hiểu và áp dụng pháp luật về đăng ký kinh doanh cho thấy pháp luật chưa tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho doanh nghiệp.
|
Bầu Kiên thời còn "thét" ra lửa. |
Luật sư Nghiêm nêu, theo Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp có quyền góp vốn, mua cổ phần mà không cần đăng ký kinh doanh. Thực tế các doanh nghiệp muốn cũng không được cấp đăng ký kinh doanh ngành nghề này. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang góp vốn, mua cổ phần, mua bán chứng khoán hàng ngày có thể sẽ bị bị xử lý hình sự về tội kinh doanh trái phép như bầu Kiên.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng cũng dẫn ra trước tòa các văn bản của chính Cơ quan đăng ký kinh doanh trả lời việc góp vốn, mua cổ phần là quyền đương nhiên của doanh nghiệp, không cần đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, luật sư Hùng lấy ví dụ các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các công ty lớn cũng góp vốn, mua cổ phần mà không có đăng ký kinh doanh như: Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận mua cổ phần của Ngân hàng Đông Á, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam mua cổ phần của Ngân hàng Xăng dầu, Tập đoàn điện lực Việt Nam mua cổ phần của Ngân hàng An Bình, Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam mua cổ phần của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Công ty CP Him Lam mua cổ phần của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt…
Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Công ty ACBI do bầu Kiên làm chủ tịch ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần của Công ty CP thép Hòa Phát cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn. Do số cổ phần này đang thế chấp tại Ngân hàng ACB, chưa được giải tỏa, nên bầu Kiên bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng lưu ý là trước đó thông báo về việc thế chấp cổ phần đã được gửi đến và xác nhận phong tỏa, cấm chuyển dịch sở hữu bởi chính Công ty cổ phần thép Hòa Phát do ông Trần Tuấn Dương làm chủ tịch.
Ông Dương cũng đồng thời làm Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát (bên mua cổ phần) và Tổng giám đốc Tập đoàn thép Hòa Phát. Cũng chính ông Dương là người xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để sang tên khi chưa có thông báo giải tỏa của Ngân hàng ACB.
Tại Tòa, Công ty CP thép Hòa Phát thừa nhận sơ suất trong việc lưu trữ, quản lý thông tin phong tỏa cổ phiếu. Việc sơ suất của Công ty CP thép Hòa Phát nằm ngoài ý thức chủ quan của bầu Kiên. Sau đó, các bên đã cùng nhau làm lại các thủ tục để giải tỏa, sang tên cổ phần theo quy định.
Theo các luật sư bảo vệ cho bầu Kiên, đây chỉ là mối quan hệ dân sự, kinh doanh giữa hai pháp nhân, các sai sót là của cả hai bên, không phải là cố ý gian dối, lừa đảo, không có yếu tố hình sự và đã được khắc phục xong.
Số tiền chuyển nhượng cổ phần ông Kiên cũng không chiếm đoạt mà do bên mua chuyển cho Công ty ACBI, ACBI sử dụng cho mục đích của Công ty và sau đó đã hoàn trả lại. Ông Kiên không sở hữu cổ phần tại ACBI.
Bầu Kiên cũng cho rằng giữa bầu Kiên và những người chủ Tập đoàn Hòa Phát có mối quan hệ rất thân thiết, kinh doanh chung nhiều dự án, bầu Kiên không thể và không có lý do để lừa đảo tiền của Tập đoàn này.
Số tiền trốn thuế là bao nhiêu?
Công ty B&B ký hợp đồng nhận ủy thác của bà Hương để đầu tư kinh doanh vàng, nguyên tắc của hợp đồng là bà Hương “lời ăn, lỗ chịu”, Công ty B&B hưởng 1% phí trên số lợi nhuận gộp thu được. Trong năm 2009, Công ty B&B chia cho lợi nhuận cho bà Hương đợt 1 là 68 tỷ, đợt 2 các bên tạm xác định lợi nhuận là 31 tỷ đồng nhưng do có nguy cơ lỗ nên tạm thời chưa chia. Sau đó, tính chung kết quả kinh doanh qua hợp đồng ủy thác vời Công ty B&B thì bà Hương bị lỗ, bà Hương đã nộp cho Công ty B&B 94 tỷ tiền mặt và vẫn còn nợ tiếp.
Theo các cơ quan tố tụng, Hợp đồng ủy thác giữa bà Hương và Công ty B&B không hợp pháp, do đó 2 khoản lợi nhuận trong năm 2009 nêu trên là thu nhập của Công ty B&B, Công ty B&B không kê khai là hành vi trốn thuế.
Cơ quan thuế, Giám định viên trả lời Tòa thuế thu nhập của doanh nghiệp không tính theo hợp đồng, mà tính theo năm tài chính. Bản kết luận giám định thuế cũng đưa ra phải có nhiều yếu tố mới xác định được chính xác thuế phải nộp.
|
Trả lời các câu hỏi của Luật sư trước tòa, bị cáo Kiên tiếp tục khẳng định mình không lừa đảo, không kinh doanh trái phép, không cố ý làm trái. |
Luật sư của bầu Kiên cho rằng nếu hợp đồng ủy thác không có giá trị, lợi nhuận của bà Hương là thu nhập của Công ty B&B thì lỗ và chi phí của bà Hương cũng là lỗ và chi phí của Công ty B&B. Khi chuyển toàn bộ lợi nhuận, lỗ của hợp đồng ủy thác từ bà Hương thành của B&B thì B&B bị lỗ, không phải nộp thuế.
Cho dù Công ty B&B có lỗi trong việc kê khai, có thiếu thuế thì đây cũng không phải là trốn thuế mà chỉ là nộp thiếu thuế và cần truy thu. Có nhiều trường hợp trên thực tế cơ quan thuế truy thu số tiền thuế gấp nhiều lần vụ án này mà không phải là vụ án hình sự. Vì việc ký hợp đồng ủy thác là có thật, lời ăn, lỗ chịu, không phải là hành vi cố ý nhằm trốn thuế.
Về tội danh cố ý làm trái
Bầu Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực HĐQT ngân hàng ACB bị kết tội cố ý làm trái gậy thiệt hại với tổng số tiền làm tròn là 1.400 tỷ đồng, gồm 718 tỷ đồng ủy thác cho nhân viên gửi tại Vietinbank trong vụ án Huyền Như và xấp xỉ 700 tỷ đồng được cho là thiệt hại trong việc đầu tư cổ phiếu ACB.
Vụ án Huyền Như chưa xử phúc thẩm để xác định trách nhiệm của Vietinbank với Ngân hàng ACB. Về việc đầu tư cổ phiếu ACB, chính Ngân hàng ACB khẳng định tại Tòa là không thiệt hại, việc này thể hiện ở chính các báo cáo tài chính của Ngân hàng ACB đã được kiểm toán xác nhận, đại hội đồng cổ đông thông qua. Ngân hàng ACB không có yêu cầu bồi thường với bầu Kiên cũng như các cá nhân khác.
Đáng suy nghĩ về lý luận, Ngân hàng ACB không có vốn góp của Nhà nước, việc kinh doanh thông thường có thể đúng, sai, lãi lỗ. Nhưng nếu các doanh nghiệp, với quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình, không yêu cầu xử lý và bồi thường, thậm chí nêu không thiệt hại thì việc xử lý hình sự các cá nhân sai phạm nếu có liệu có cần thiết? Nếu tội danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng được áp dụng rộng rãi thì chủ doanh nghiệp tư nhân có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi làm mất tiền của chính mình.
Hậu phương vững chắc?
Để các “người lính” doanh nhân yên tâm chiến đấu, các cơ quan Nhà nước chính là hậu phương vững chắc nhất, bảo vệ và hỗ trợ cho doanh nhân thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn; có một thái độ thông cảm, rộng lượng, tận tình với doanh nghiệp.
Các hành vi vi phạm, các hành vi bị cấm phải được chỉ ra cụ thể, minh bạch, đúng là đúng, sai là sai. Khi nào còn cột cho doanh nhân các hành vi “lợi dụng kẽ hở của pháp luật”, khi nào cơ quan Nhà nước còn tranh cãi một hành vi cụ thể là có vi phạm không, hoặc trả lời không rõ ràng, thì khi đó, ranh giới sai đúng của doanh nhân vẫn rất mỏng manh.
Có 3 trong số 4 tội danh trong vụ án có nhiều câu hỏi với cơ quan quản lý Nhà nước tại Tòa để khẳng định có hành vi vi phạm không. Các câu trả lời không rõ ràng, thậm chí là né tránh của Bộ kế hoạch đầu tư, của cơ quan đăng ký kinh doanh, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Cơ quan thuế trong vụ án bầu Kiên đặt ra nhiều câu hỏi về hậu phương vững chắc của “người lính” doanh nhân hiện nay.