Hồi phục mạnh mẽ
|
Ảnh minh họa: VOV.
|
Trong phiên giao dịch sáng nay, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường đã hồi phục mạnh trở lại như BID tăng 400 đồng lên 17.000 đồng/cổ phiếu, VCB tăng 800 đồng lên 39.400 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác như BVH, VNM, VCB, KDC, STB, ACB… đều đồng loạt tăng giá.
Nhóm cổ phiếu đang được quan tâm nhất là dầu khí hiện nay cũng đang hồi phục. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thông tin giá dầu thế giới giảm mạnh nên vẫn chưa thể tăng mạnh. Mức tăng của những cổ phiếu như GAS, PVD... xoay quanh mốc 400 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ giảm rất mạnh trong phiên hôm qua cũng đang có sự hồi phục khá mạnh mẽ.
Sau khoảng 30 phút giao dịch chứng khoán hôm nay, chỉ số VN-Index tăng 6,48 điểm (1,23%) lên 532,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 160 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm cũng tăng 0,5 điểm (0,68%) lên 73,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5 triệu cổ phiếu, trị giá 42 tỷ đồng.
Tuy đà tăng về cuối phiên có chậm lại song thị trường chứng khoán vẫn kịp tăng nhẹ sau khi phiên giao dịch buổi sáng dừng lại. Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 2,82 điểm (0,54%) lên 529,19 điểm. Toàn sàn có 123 mã tăng 67 mã giảm và 118 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,16 điểm (0,22%) lên 73,42 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 54 mã giảm và 239 mã đứng giá.
Đến phiên giao dịch buổi chiều, VN-Index phục hồi trên diện rộng với 173 mã tăng giá trong có 33 mã tăng trần. Nhiều mã trụ đã lấy lại được đà tăng giá mạnh như BID tăng 500 đồng, BVH tăng 2.300 đồng, VCB tăng 1.700 đồng…
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 9,4 điểm lên 535,77 điểm (+1,79%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 126 triệu đơn vị, trị giá 1.648,58 tỷ đồng. HNX-Index ở mức 74,3 điểm, tăng 1,04 điểm (+1,42%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,42 triệu đơn vị, trị giá 338,1 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ sau phiên giao dịch "đen tối" hôm qua đó là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã dập tắt mọi tin đồn bất lợi khiến giới đầu tư hoang mang. Theo UBCKNN, vừa qua do tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề giá dầu nên thị trường chứng khoán các nước diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Việt Nam được đánh giá là chịu tác động ít nhất và tác động (nếu có) chỉ mang tính chất gián tiếp. Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch ngày 18/01/2016, các chỉ số có sự sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý khi một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới cũng giảm sâu và liên tục. Điều này không thể hiện đúng với tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam cũng như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết.
Những đại gia bốc hơi tài sản mạnh nhất
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 18/1 là phiên sụt giảm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ sau biến cố tỷ giá hồi tháng 8/2015 khi chỉ số VnIndex mất 16,67 điểm (3,07%) và lùi về 526,37 điểm; Tương tự, chỉ số Hnx-Index cũng giảm 2,13 điểm (2,82%) xuống 73,26 điểm. Đây cũng là phiên chứng kiến vốn hóa trên thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần 35 nghìn tỷ đồng.
Diễn biến này đã kéo theo sự sụt giảm về tài sản của hàng loạt đại gia chứng khoán. Trong đó, Bầu Đức là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau phiên giao dịch hôm nay khi tổng tài sản của ông “bốc hơi” hơn 208 tỷ đồng do cổ phiếu HAG giảm sàn xuống 9.300đ/cp, mức thấp nhất trong lịch sử HAG kể từ khi niêm yết lần đầu vào năm 2008. Với sự “lao dốc” của HAG trong hơn 1 năm qua, bầu Đức đã rơi xuống vị trí thứ 4 trong top những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam trong năm 2015. Hiện tại, bầu Đức đang nắm giữ 348 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng giá trị 3.234 tỷ đồng.
|
Bầu Đức thiệt hại nặng trong phiên giao dịch chứng khoán hôm qua. Ảnh minh họa. |
Chủ tịch Hòa Phát- ông Trần Đình Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền cũng bị mất tới 166 tỷ đồng khi cổ phiếu HPG giảm 700 đồng (2,7%) xuống 24.800 đồng.
Ông Dương Ngọc Minh- Chủ tịch Hùng Vương Group giảm 52 tỷ đồng, ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch SSI bị giảm 37 tỷ đồng, ông Trương Gia Bình- Chủ tịch FPT giảm 34 tỷ đồng, sau khi cổ phiếu FPT đã có phiên giao dịch mất 2,6%, giảm 1.200 đồng xuống 44.900 đồng. Hiện ông Bình đang sở hữu 28,3 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng tỷ lệ 7,13% vốn điều lệ công ty và là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này. Trong năm 2015, ông Bình đứng thứ 12 trong top những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Ngoài những gương mặt tiêu biểu trên, phiên giao dịch 18/1 cũng đã “thổi bay” hàng chục tỷ đồng của các lãnh đạo doanh nghiệp khác như ông Lê Phước Vũ- HSG (giảm 25,5 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Đạt- PDR (giảm 24,7 tỷ đồng); ông Đặng Thành Tâm- ITA, KBC (giảm 12,5 tỷ đồng); ông Nguyễn Đức Tài- MWG (giảm 11,7 tỷ đồng)…