EVN rút khỏi Ngân hàng An Bình
Một trong những vụ thoái vốn khỏi ngân hàng, gây sự quan tâm dư luận gần đây nhất là của “đại gia” EVN. Theo đó, vào đầu tháng 7/2013, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chính thức đăng tải hoạt động đấu giá công khai, bán cổ phần theo lô lớn ra công chúng của EVN đối với 25,2 triệu cổ phiếu tại ABBank với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP cho nhà đầu tư là tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước.
EVN đã tiến hành đàm phán và thỏa thuận với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) để chuyển nhượng số cổ phần nói trên.
Tính đến ngày 11/12/2013, EVN đã chuyển nhượng thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho GELEXIMCO với giá trị 252 tỷ đồng với sự chấp thuận chuyển nhượng của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM.
Theo lộ trình, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại ABBank nói riêng cũng như tại các công ty thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nói chung, bảo đảm EVN có cơ cấu hợp lý, tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh điện.
“Ông lớn” hàng không rút khỏi Techcombank
Là một trong những cổ đông sáng lập của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ban đầu giữ đến gần 20% vốn của Techcombank nhưng sau đó giảm dần và từ cuối năm 2011 đến 2013 chỉ còn nắm giữ rất ít.
Cuối tháng 6/2013, Vietnam Airlines bắt đầu triển khai các thủ tục để thoái vốn tại Techcombank theo lộ trình của đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015 theo phê duyệt của Thủ tướng. Theo đại diện của Vietnam Airlines thì: “Đây là bước đi cần thiết để Vietnam Airlines triển khai tái cơ cấu và tập trung vốn vào phát triển ngành kinh doanh cốt lõi của mình”.
Cuối tháng 8/2013, Vietnam Airlines công khai chào bán đấu giá toàn bộ cổ phần đơn vị này đang sở hữu tại Techcombank, bao gồm 24,033 triệu cổ phần và 827.847 trái phiếu chuyển đổi Techcombank có thời hạn 10 năm.
Kết quả là, gần 828 nghìn trái phiếu chuyển đổi đã được sang tên cho 6 nhà đầu tư cá nhân với giá 132.700 đồng/trái phiếu; hơn 24 triệu cổ phần được bán cho 3 nhà đầu tư cá nhân với giá 10.800 đồng/cổ phần. Tổng cộng, Vietnam Airlines đã thu về hơn 369 tỷ đồng từ việc rút chân khỏi ngân hàng.
Đến ngày 21/9, Vietnam Airlines cũng rút nhân sự cấp cao khỏi Techcombank. Cụ thể, ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines - thôi làm người đại diện phần vốn góp tại Techcombank. Ông Hiền từng có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chính tại Vietnam Airlines. Từ tháng 4/2009, ông Hiền đảm nhiệm chức danh Thành viên HĐQT Techcombank.
Tập đoàn Dầu khí trước sức ép rút khỏi Ocean Bank
Đầu tháng 10, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, đã có phương án sắp xếp các công ty con với kỳ vọng đến 2015 sẽ thoái toàn bộ 5.008 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành ở các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản. Mặc dù vậy, lãnh đạo của Tập đoàn này thừa nhận việc thoái vốn không hề dễ dàng. Trước mắt, từ nay đến 2015, PVN sẽ tập trung thoái hết vốn trong lĩnh vực tài chính.
Hiện tại PVN sở hữu khoảng 80 triệu cổ phần tương đương 20% vốn của Ngân hàng OceanBank. Số vốn của ngân hàng này dự tính 4.000 tỷ đồng.
Cổ đông chiến lược “ngoại” tạm biệt VP Bank
Không giống như lộ trình thoái vốn ngoài ngành để tập trung vào các ngành kinh doanh cốt lõi như các tập đoàn nội nên việc Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC), cổ đông nắm giữ 14,88% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) quyết định rút khỏi ngân hàng này sau 7 năm gắn bó đã gây bất ngờ dư luận. Theo đó, đến cuối tháng 11, OCBC đã chính thức bán xong gần 86 triệu cổ phần VPBank cho 3 nhà đầu tư cá nhân trong nước, với tổng số tiền thu về khoảng 55,5 triệu USD.
OCBC đã mua 10% cổ phần của VP Bank vào năm 2006 và mua thêm khoảng 4,88% vào 2008. Năm 2012, OCBC được chia thêm 10.710.213 cổ phần, đưa lượng nắm giữ lên trên 85,8 triệu cổ phần.
ACB “chạy” khỏi hàng loạt ngân hàng
Công ty Cổ phần Chứng khoán ACB (ACBS) cuối tháng 10 đã hoàn tất việc bán 18,4 triệu cổ phiếu ngân hàng Kiên Long, trong đó 14,4 triệu cổ phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân với giá 17.000 đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2013, trong quý công ty đã hoàn tất việc bán 14,4 triệu cổ phiếu của KienLong Bank sau khi đã bán 4 triệu cổ phiếu này trong quý II.
Trước đó, tại ngày 31/12/2012, ACBS cam kết chuyển nhượng 14,4 triệu cổ phiếu ngân hàng Kiên Long cho một cá nhân với giá 17.000 đồng một cổ phiếu. Cùng với việc thoái vốn tại Kiên Long, ACBS cũng thoái vốn khỏi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Mã CK: EIB) và Ngân hàng Đại Á.
Danh sách những tập đoàn, tổng công ty cũng sẽ phải rút khỏi ngân hàng trong thời gian tới còn điểm mặt Tập đoàn Dệt may (Vinatex) tại Navibank; Tập đoàn Than Khoáng sản VN (Vinacomin) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB); Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) ở Ngân hàng Hàng Hải (Maritimebank)... Điều này chứng tỏ sang năm 2014, “làn sóng” thoái vốn khỏi ngân hàng sẽ vẫn còn rầm rộ.