Cận cảnh những ngôi nhà kỳ quái nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Đó là những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc kỳ quái với những vật liệu khiến người khác phải "rùng mình".

Ngôi nhà ma quái nhất Việt Nam
Đó là "Biệt thự Hằng Nga" hay "Ngôi nhà ma quái" do kiến trúc sư người Việt Nam - Đặng Việt Nga thiết kế. Ngôi nhà tọa lạc trên diện tích rộng 1.600 m2 tại số 3 đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Đà Lạt, từ lâu đã trở thành địa điểm thăm quan ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
Ngay lối vào biệt thự là tấm mạng nhện khổng lồ, mở ra một lâu đài với khu vườn như trong chuyện cổ tích. Biệt thự Hằng Nga bao gồm khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện, đó là 2 thân cây cổ thụ làm bằng bê tông, trong đó có những gian phòng mang tên của các loài vật như kangourou, hổ, gấu, khỉ... và để lên được những "cái hang" này, du khách phải đi qua một cầu thang bao vòng quanh thân cây.
Phòng "quả bầu" là phòng cao nhất của biệt thự Hằng Nga và là phòng được khách du lịch quốc tế rất thích. Vì ở trong này có thể đốt củi trong bụng quả bầu, giữ ấm suốt đêm để ngủ mà không cần đắp chăn. Các phòng nghỉ ở đây có đầy đủ tiện nghi cần thiết của một khách sạn sang trọng.
Điều đặc biệt ở ngôi biệt thự này là từ trần đến cửa và mái đều thiết kế tuỳ hứng không theo quy luật, thả sức uốn lượn, cửa sổ được cắt theo những hình thù kỳ lạ và đặt ở trong những chỗ lồi lõm của những bức tường hình bầu dục. Từ trên ban công nhìn xuống là khu vườn nhỏ với hoa lá, chim muông.
Công trình "Ngôi nhà kỳ dị" của kiến trúc sư Việt Nga cùng với 9 công trình khác trên thế giới được lọt vào Top 10 công trình kỳ dị nhất do tạp chí People's Daily bình chọn năm 2009.
 
 
 
Ngôi nhà gắn 8.000 bát đĩa cổ ở Vĩnh Phúc
Ông Nguyễn Văn Trường ở làng Kiệu Sơn (Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện đang sở hữu một ngôi nhà vô cùng đặc biệt. Ngôi nhà này được làm từ hơn 8.000 bát đĩa cổ, 90 kg đồng xèng, 20 kg đồng xu, 20 kg chiếc khuy cổ và vô vàn những mảnh vỡ khác.
Cánh cổng mái vòm dẫn vào ngôi nhà gắn những chiếc bình, chiếc đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu (chim hoa), thạch trúc (tre trúc và đá), tam hữu (hoa mai, cúc, trúc), tùng hạc (chim hạc và cây tùng), lý ngư (cá chép), phượng vũ (chim phượng), phúc lộc thọ...
Bước qua cổng, bên phải là hòn non bộ lớn đắp hàng nghìn mảnh gốm cổ. Bên trái là ngôi nhà cấp bốn không trát vôi vữa như thường lệ mà thay vào đó là những chiếc đĩa được gắn trên tường thành từng hàng ngay ngắn. Ba cây cột trước nhà gắn chi chít những đồng tiền xu, đồng xèng, khuy áo cũ...
Ông Trường năm nay đã 52 tuổi, có một niềm đam mê vô hạn với những món đồ sành sứ cổ. Đã nhiều lần để thỏa thú đam mê của mình, ông Trường sẵn sàng bán thóc, cắm sổ đỏ, ứng tiền làm thuê hay vất vả ngược sông Hồng gom nhặt. Và những món đồ ông mua được, nhặt được, ông tuyệt nhiên không bao giờ mang bán.
Để hoàn thiện ngôi nhà như bây giờ, ông Trường phải bỏ ra 15 năm từ việc đi tìm đồ sành sứ cổ, sau đó về gắn lên tường rồi che chắn, bảo quản nó. Ông vẫn tiếp tục công việc gắn đồ cổ. Theo ông phải mất 7 năm nữa để làm hết mọi ngóc ngách trong nhà.
 Cánh cổng mái vòm dẫn vào ngôi nhà toàn đồ sành sứ cổ của ông Nguyễn Văn Trường.
 Với khoảng 8.000 bát đĩa cổ, tính ra ông Trường đang sở hữu "khối tài sản" lên đến bạc tỷ. 
 Hòn non bộ trước nhà cũng được gắn vô vàn những mảnh gốm cổ.
Ngôi nhà được xây bằng vật liệu phế thải
Đó là ngôi "biệt thự" 36 năm xây dựng còn dang dở của ông lão hơn 80 tuổi Huỳnh Hộ mà người dân ở khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam quen gọi là ông Hộ "kiến trúc sư".
Ngôi nhà của ông Hộ nằm án ngữ ngay trên con đường nổi tiếng sầm uất nhất nhì của phố huyện. Nhưng đây lại là một mớ hỗn độn, nham nhở đá dăm, gạch vỡ, gỗ, bao bì...
Ông Hộ hành nghề kéo xe bò thuê, sáng ra ngã 3 Nam Phước đứng để ai thuê thì chở kiếm tiền. Trên đường đi làm, nếu thấy có viên gạch nào, hòn đá nào rơi rớt thì lượm bỏ lên xe kéo về. Đá, gạch, ngói ông đi mót, đi lượm. Cát, sạn ra sông vớt, xúc chở về. Xi măng thì lấy tiền làm thuê mua.
Ngôi "biệt thự" ông Hộ tự thiết kế được chia làm 3 gian, 2 tầng. Gian nhà trên để buôn bán, thờ phụng và tiếp khách. Gian nhà giữa để thông lên tầng trên. Gian nhà cuối cùng là nhà bếp. Tầng 2 có không gian rộng gồm phòng ngủ và sân thượng. Để xây được thế này, ông Hộ chăm chỉ làm việc, nhịn ăn nhịn mặc, thậm chí không thèm đếm xỉa đến bản thân mình.
Theo những người dân ở khối phố Long Xuyên 2, ngôi nhà của ông Hộ nằm sát mặt tiền của tuyến đường lộ ĐT 610 nên có giá trị bạc tỷ. Đã từng có nhiều người đến trả giá cả 5-6 tỷ nhưng ông quyết không bán.
 Ngôi nhà 36 năm xây dựng vẫn chưa xong.
 Chủ nhân của ngôi nhà là ông Huỳnh Hộ không thèm đếm xỉa đến bản thân chỉ lo nhanh chóng hoàn thành "công trình" này.
Ngôi nhà xây bằng gáo dừa
Đó là ý tưởng của thạc sĩ chuyên ngành xây dựng tại Đại học Sejong, Hàn Quốc, anh Nguyễn Tấn Khoa. Công trình của thạc sĩ Khoa là sử dụng gáo dừa chế tạo bê tông nhẹ làm vật liệu xây dựng nhà.
Theo thạc sĩ Khoa, những nghiên cứu cho thấy, trong công nghiệp chế biến dừa, nguồn phế thải gáo dừa rất lớn. Nhưng việc sử dụng gáo dừa (than hoạt tính, đồ thủ công mỹ nghệ) lại chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì thế một lượng gáo dừa thải ra môi trường vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm. Trong khi đó, gáo dừa có những đặc tính (cứng, dẻo) phù hợp để chế tạo bê tông.
Ngôi nhà 48m2 được xây dựng từ các tấm bê tông nhẹ làm từ gáo dừa. 
Thạc sĩ Khoa cho hay, quy trình biến gáo dừa thành bê tông nhẹ cũng khá gian nan. Sau khi lựa chọn gáo dừa (gáo dừa khô, bề dày của gáo đạt từ 2,5 - 3mm), gáo sẽ được gọt sạch bỏ đi phần xơ. Bước tiếp theo là gia công gáo dừa bằng máy đập búa. Gáo dừa sẽ được đập nhỏ với kích thước 10mm. Những hạt có kích thước lớn hơn 10mm sẽ được cho vào máy đập lại.
Sau khi đập nhỏ, gáo dừa được xử lý bằng dung dịch kiềm ở nhiệt độ cao nhằm đảm bảo độ bền cho bê tông. Bước quan trọng nhất trong toàn bộ công đoạn này chính là chế tạo bê tông. Các thành phần được dùng để chế tạo bê tông gồm xi măng đóng vai trò là chất kết dính, cát (tỉ lệ nhỏ), gáo dừa đã qua xử lý (thành phần lớn), nước và phụ gia. Các thành phần này sẽ được phối trộn theo tỷ lệ nhất định.
Kết quả cho thấy, từ gáo dừa có thể tạo ra được tấm tường bê tông có khối lượng thể tích 1.400 - 1.700kg/m3, cường độ chịu nén của bê tông đạt được từ 50 - 100kg/cm2 (tiêu chuẩn để làm tường là 30kg/cm2). Chi phí thi công căn nhà bằng bê tông nhẹ cốt liệu gáo dừa chỉ bằng 80% so với nguyên liệu đá tự nhiên.
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(1)

Minh Hiền

nguyn hung

Biệt thự Hằng Nga là đáng nể thôi, còn lại là quái dị.