Dư luận dường như chưa hết nóng với vụ việc ông Phạm Công Danh làm thất thoát 9000 tỷ của Ngân hàng Xây dựng thì lại xôn xao với tin những vị lãnh đạo chủ chốt của của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã bị bắt giam ngày 15/9 vừa qua vì làm thất thoát 3.300 tỷ đồng của nhà nước.
Tất cả vụ việc bắt nguồn từ một bài báo về chiếc xe Lexus biển số xanh ở miền Tây. Câu chuyện lãnh đạo đi xe công tưởng nhỏ, ấy thế mà lại làm lộ ra vụ việc Tổng công ty PVC – Doanh nghiệp đã từng được nhận “huân chương lao động hạng nhất” nhưng cuối cùng lại là đơn vị làm mất trắng hàng ngàn tỷ đồng.
|
Khởi nguồn cho các vụ điều tra PVC là việc lãnh đạo lắp biển xanh đi x sang. |
Vào tháng 8/2013, sau khi bộ đôi lãnh đạo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận rời khỏi PVC, tổng công ty này đã có chỉ thị báo cáo về tình hình kinh doanh. Một tháng sau đó, từ văn bản báo cáo tài chính, đơn vị này đã lộ ra nhiều vấn đề liên quan đến kết quả kinh doanh thua lỗ từ năm 2013 trở về trước.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013, PVC thua lỗ hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ lỗ hơn 1.900 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.300 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm 2008, khi bộ đôi quyền lực Thanh – Thuận còn làm Tổng giám đốc thì PVC vẫn còn là một doanh nghiệp nhỏ của ngành dầu khí với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Sau khi được đảm nhiệm nhiều dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ thì PVC nhanh chóng trở thành một trong những tổng công ty hùng mạnh của PVN. Tính đến thời điểm cặp bài trùng Thanh – Thuận rời ghế vào năm 2013 thì tổng công ty có bộ máy khá lớn với khoảng 9.000 lao động, 5 ban điều hành, 15 công ty con (với 5.189 người), 8 công ty liên doanh và 17 công ty tài chính.
Nếu chỉ an phận tập trung vào các hoạt động xây lắp cho các dự án của PVN thì PVC đã không vấp phải nhiều sai phạm như ngày nay. Chính vì có quá nhiều dự án và nhiều tiền mà lãnh đạo PVC bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang các lĩnh vực tài chính và bất động sản khiến công ty này phải đối mặt với nhiều vấn đề, khi mà thị trường bất động sản thoái trào với nhiều dự án đình trệ.
Tình trạng thua lỗ đến mức báo động và chỉ đến khi lãnh đạo mới của PVC cầu cứu PVN rằng, nếu không có biện pháp cứng rắn thì e rằng tập đoàn này sẽ không thể trụ lại và có nguy cơ phá sản.
Lúc này, mọi việc mới đổ bể, kết hợp với những phản ánh trên báo chí về việc sai phạm nhưng lại được thuyên chuyển và nâng chức của bộ đôi Thanh – Thuận (Ông Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và ông Vũ Đức Thuận làm Chánh Văn phòng Bộ GTVT), CSĐT đã làm rõ sai phạm của hai ông này.
|
Dù làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng nhưng 2 vị lãnh đạo này vẫn được thuyên chuyển và thăng chức. |
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố, Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét 4 bị can gồm:
1. Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc;
2. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc;
3. Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc;
4. Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Các bị can trên bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Riêng nguyên lãnh đạo của PVC, ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn. Căn cứ vào các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.