Nghịch lý những “vùng đất chết” giữa Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Đó là những khu đất dự án đã được khởi công nhưng thi công chậm tiến độ, thậm chí ngừng thi công để lại một công trường ngổn ngang, một bãi đất hoang giữa lòng Thủ đô.

Thời điểm năm 2007 - 2008 hàng loạt các dự án ồ ạt khởi công tạo nên cơn sốt trên thị trường bất động sản. Khi cơn sốt đi qua, nhiều dự án rơi vào cảnh phơi sương.

Trong đó, dự án Usilk City được mệnh danh là "Thành phố trong mơ" nhưng đến nay hàng trăm khách hàng đang đứng ngồi không yên vì dự án "đắp chiếu" quá lâu. Usilk City tọa lạc tại đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông, Hà Nội), được giới thiệu xây dựng quy mô lớn với 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25-50 tầng (với hơn 2.700 căn hộ với tổng diện tích sàn trên 553.000m2), rộng 9,2ha và mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng. Usilk City do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (mã chứng khoán: STL) làm chủ đầu tư ở thời điểm cuối năm 2008 được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông. Tuy nhiên, thời gian bàn giao nhà đã cận kề nhưng Usilk City vẫn là công trường ngổn ngang. 

 Một số toà nhà của dự án Usilk City mới chỉ trong quá trình hoàn thiện phần thô. Ảnh: Thế giới Doanh nhân.
 Công trường của Usilk City "đắp chiếu" nằm chờ. Ảnh: Thế giới Doanh nhân.

Đầu năm 2011, chủ đầu tư thông báo: Những khách hàng mua nhà tại Usilk City sẽ được tặng sàn thương mại. Mức thưởng được chia làm 3 loại: Với những hợp đồng có giá trị phải nộp còn lại trên 2 tỉ đồng, khách hàng nộp tiền ngay sẽ được tặng 35m2 sàn thương mại; những hợp đồng còn lại từ 1,2 tỉ đến 2 tỉ đồng, khách hàng được tặng 25m2 sàn thương mại và những hợp đồng còn lại từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng sẽ được nhận 18m2 sàn thương mại. Ngoài ra, những khách hàng đăng ký mua gian hàng tại Khu Trung tâm thương mại, nếu đồng ý nộp nốt tiền ngay cũng sẽ được hưởng thêm 25% diện tích đã mua. Chính chiêu thu hút này của chủ đầu tư khiến khách hàng tin tưởng đóng 100% hợp đồng mua nhà cho chủ đầu tư. 

Theo cam kết ban đầu của chủ đầu tư, dự án được thực hiện trong 5 năm: Giai đoạn 1 từ quý II/2008 đến quý IV/2009 sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 50% hệ thống móng và tầng hầm; giai đoạn 2 đầu tư xây dựng hoàn thiện phần kiến trúc và các hạng mục công trình khác và quý IV/2013 đưa dự án vào sử dụng. Tuy nhiên, mặc dù tháng 11/2009 chủ đầu tư đã tổ chức lễ ký cam kết tiến độ và bàn giao nhà 3 tòa thuộc khối CT1 nhưng đến nay vẫn chưa có căn nào được bàn giao cho khách hàng. CT2 có 2 tòa xây dở dang rồi bỏ lửng cả năm nay, còn lại các CT3, CT4 đều đang ở dạng móng. Nhiều khách hàng tỏ ra rất bức xúc với cách làm này của chủ đầu tư, họ lập hẳn một group trên mạng (hơn 100 thành viên - khách hàng) để trao đổi thông tin với nhau và cập nhật về dự án cũng như tình hình tài chính của chủ đầu tư. Không biết đến bao giờ, những khách hàng này mới được sống trong "Thành phố trong mơ" hay đó chỉ là giấc mơ có trên giấy tờ.

Cũng lâm vào tình trạng tương tự như Usilk City, một số dự án khác cũng đang đua nhau nằm chờ. Trong đó, có dự án Habico Tower cao 36 tầng, xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) với tổng số 136 căn hộ cao cấp, tổng mức đầu tư 220 triệu USD. Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2008 và dự kiến hoàn thành năm 2011, tuy nhiên, sau 4 năm xây dựng tòa nhà đang dừng lại ở tầng thứ 9. Gần như công trường hiện nay đã "cửa đóng, then cài", không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp đã không còn trên công trường.

 Dự án Habico Tower đã dừng thi công, cẩu tháp không còn. Ảnh: Internet

Habico Tower được biết đến như dự án có giá bán đắt đỏ nhất Thủ đô. Năm 2010, chủ đầu tư dự án này công bố giá căn hộ Habico Tower thấp nhất là 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng mỗi căn, tương đương khoảng từ 75 - 100 triệu đồng/m2. Mỗi căn hộ được quảng cáo có lắp đặt nhiều thiết bị chưa từng có ở Việt Nam như hệ thống sưởi sàn, vườn trong phòng, bồn tắm bằng gỗ Hinoki, sơn tường sản sinh ion âm tốt cho sức khỏe... vẫn chỉ là mơ ước với khách hàng.

 Bên trong dự án Dragon Palace cỏ mọc um tùm. Ảnh: Internet

Cùng với đó, dự án Dragon Palace do Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Trung làm chủ đầu tư với quy mô 17 tầng xây trên khu đất 3.691m2 tại khu đô thị Mễ Trì, Mỹ Đình (Hà Nội) cũng đang là bãi đất hoang. Các căn hộ được quảng cáo là mang đậm phong cách hoàng gia Châu Âu dựa theo ý tưởng của cung điện  Versailles, Luis XIV, Pháp. Dự án khởi công xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, đến nay thực tế dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ cây mọc ùm tùm, không thấy động thái nào cho thấy chủ đầu tư triển khai dự án. 

 Dự án D. San Raffle đang cầm chừng. Ảnh: Internet

Một số dự án khác do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư cũng đang trong giai đoạn trì trệ, như D’. San Raffle cao 9 tầng tại ngã tư Hai Bà Trưng và Hàng Bài, Hà Nội, trên diện tích 4071m2, 5 tầng hầm gồm Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang. Dự án này được chủ đầu tư dự kiến hoàn thành trong năm 2014, tuy nhiên, hiện vẫn chưa thi công xong hầm, công trình vẫn rất ì ạch. 

Không chỉ các dự án nhà ở mà ngay cả các dự án khu du lịch sinh thái cũng lâm vào hoàn cảnh trên. Cụ thể, dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) cũng đang "sống dở chết dở". Dự án do Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây làm chủ đầu tư với diện tích gần 200 ha. Theo kế hoạch, đại dự án này sẽ là "tiểu Tuần Châu giữa lòng Thủ đô" với: sân golf (93ha), khu vui chơi giải trí rộng 22ha, trung tâm thương mại quốc tế (180 nghìn m2), khu biệt thự 54 ha, còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp. Ngày 25/2/2008, Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây đã tiến hành tổ chức lễ khởi công dự án một cách rầm rộ, cờ hoa rợp trời, khách mời đông nghịt, nhưng sau gần 6 năm dự án vẫn dậm chân tại chỗ, đến giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang "không hơn không kém".

Đây chỉ là một số các dự án thi công chậm tiến độ, bỏ hoang. Còn rất nhiều các dự án "chết" khác đang tồn tại ở Hà Nội. Những dự án này không chỉ gây bức xúc cho khách hàng bởi việc chậm bàn giao căn hộ, mà còn làm nhem nhuốc hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. 
Hải Sơn (Tổng hợp)

Bình luận(0)