Phải chăng vì những khoản doanh thu siêu lợi nhuận mà sữa mang lại khiến cho hàng loạt các doanh nghiệp lớn lựa chọn ngành sữa để đầu tư? Hay phía sau đó còn là câu chuyện “trú ẩn” trước cơn bão thị trường?
Ai đang sở hữu nhiều bò sữa nhất?
Sau một khoảng thời gian dài “ăn nên làm ra” nhờ sữa, hiện nay, “cuộc đua tranh” giành thị phần đã có thêm rất nhiều tên tuổi mới và các “ông lớn” này đều không ngại chi mạnh tay cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, sản xuất sữa.
Điển hình như NutiFood, vào tháng 6/2013, nhà máy sữa bột này được khởi công xây dựng với tổng cống suất 50.000 tấn sữa bột/năm. Ngày 09/6, Nutifood đã “bắt tay” với bầu Đức và Vissan ký hợp tác đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa với 236.000 con. TH Milk hiện có 45.000 con bò cho sản lượng khoảng 400 tấn sữa tươi/ngày. Với những gì đang có và các kế hoạch sắp triển khai, TH Milk dự kiến sẽ đưa vào vận hành toàn bộ siêu Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày cho mục tiêu doanh thu 15.000 tỉ đồng (2015) và 23.000 tỉ đồng (2017).
“Ông lớn” chiếm thị phần lớn nhất trong ngành sữa là Vinamilk cũng đang nỗ lực trong việc đầu tư kinh doanh của mình. Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, Vinamilk đã đầu tư khoảng 800 tỉ đồng xây dựng 5 trang trại có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, trong đó có 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày. Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua 460 tấn sữa/ngày. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con bò); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con bò.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”?
Không phải tự nhiên mà rất nhiều “đại gia” lại sẵn sàng từ bỏ rất nhiều thứ “béo bở” khác để tìm đến bò sữa để làm giàu.
Thứ nhất, có thể dễ dàng nhận ra, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, thì nguồn cung ở nước ta vẫn còn hạn chế, số lượng các công ty sữa vẫn còn rất khiêm tốn, lượng sản xuất ra chưa thật sự đáp ứng đủ nguồn cầu. Do đó, việc đầu tư vào ngành sữa lúc này sẽ mang về một khoản doanh thu khổng lồ mà không phải ngành nào cũng có thể đạt được.
Yếu tố thứ hai, mặc dù không mới nhưng đóng vai trò quyết định. Đó là thị trường. Thị trường sữa Việt Nam vẫn còn quá mỏng, nói cách khác mảnh đất này vẫn còn trống quá nhiều. Nếu các doanh nghiệp dám mạo hiểm đầu tư, sẽ có được một lượng khách hàng ổn định. Hiện nay, do nguồn sữa của nước ta vẫn còn hạn chế, vẫn phải nhập nguyên liệu khá lớn từ bên ngoài. Do đó, để khắc phục tình trạng này, các “đại gia” đã không ngại chi tiền để xây dựng những nhà máy chế biến, thậm chí là sẵn sàng trở thành một anh nuôi bò để có thể tự cung ứng nguồn nguyên liệu cho chính doanh nghiệp của mình.
Điển hình là bầu Đức, ông này đã không tiếc tay khi bỏ ra một số tiền khoảng hơn 6.000 tỷ đồng nuôi 236.000 con bò tại Lào, trong đó có đến 120.000 con bò sữa. Với con số này, lượng bò sữa mà HAGL sở hữu năm 2017 tương đương với gần 40% tổng số bò sữa trong nước. Tính toán chi tiết để quay vòng tối đa mọi nguồn lực, tháng 4 vừa rồi, tại đại hội cổ đông thường niên của HAGL, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tự tin khẳng định: "Nếu làm đúng thì doanh thu cả trăm tỷ, nghìn tỷ cũng đạt được, thậm chí lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng/năm vẫn có được".
Mặt khác, điều kiện địa lý và khí hậu của nước ta cũng rất thuận lợi và phù hợp trong việc chăn nuôi bò sữa. Khí hậu mát mẻ của những vùng như cao nguyên Mộc Châu, khu vực Trung du miền núi phía Bắc…là những sự hỗ trợ đắc lực trong việc giúp các “ông lớn” mạnh tay chi tiền tỷ để nuôi bò lấy sữa.