Mẹ Huyền Như có "cơ" đòi được biệt thự 43 tỷ?

Google News

(Kiến Thức) - Để đòi được biệt thự, bà Lang cần chứng minh căn villa không mua bằng tiền của con gái, kể cả trước thời điểm Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội.

Mới đây, mẹ Huyền Như là bà Nguyễn Thị Lang vừa có đơn kiến nghị gửi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đề nghị đưa bà vào tham gia tố tụng đồng thời đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án, trả lại cho bà khu villa có diện tích gần 3.000 m2, trị giá 43 tỷ đồng tại Hội An, Quảng Nam.
Lý do đòi biệt thự được bà Lang đưa ra là căn villa này bà mua tháng 4/2009 và đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp trước khi Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội. Sau này, vì lo sợ bị chủ nợ siết mất nên Huyền Như khai báo cho cơ quan điều tra để phong tỏa nhưng trên thực tế đây là tài sản riêng của bà Lang.
 Biệt thự 43 tỷ đồng tại Hội An, Quảng Nam mà bà Lang đang đòi được trả lại.
Trao đổi với Kiến Thức về diễn biến mới nêu trên, luật gia Nguyễn Xuân Đạo (Công ty luật hợp danh Sự thật - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc bà Lang không được Tòa án nhân dân TP.HCM triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan mà tự ý thu hồi căn biệt thự của bà Lang là không đúng với quy định của pháp luật. Do không được tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên bà Lang không có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiện, bà Lang có thể kiến nghị tới tòa phúc thẩm để được triệu tập tại phiên tòa phúc thẩm với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc khởi kiện vụ án khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự về biệt thự nêu trên để bảo vệ quyền lợi của mình.
Về căn cứ để bà Lang có thể đòi lại được căn biệt thự 43 tỷ đồng tại Hội An, theo ông Đạo, bà Lang cần có những bằng chứng thuyết phục khẳng định khu Villa H2 đứng tên bà không mua bằng tiền của Huyền Như.
Điều đáng nói là trước đó, sau khi vụ án được phanh phui, dư luận biết đến bà Nguyễn Thị Lang với hình ảnh một người mẹ nghèo, từng tham gia cách mạng và đang có một cuộc sống tương đối khó khăn. Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - chị gái Huyền Như là một người phụ nữ nghèo, sống bằng nghề bán hột vịt lộn. “Tuy nhiên, nếu có người cho bà Lang tiền để mua biệt thự, miễn là không phải tiền của Huyền Như thì bà Lang vẫn có thể đòi lại biệt thự vì đó là tài sản của bà Lang nếu chứng minh được”, ông Đạo cho hay.
Ông Đạo cũng cho biết thêm, theo Khoản 3 Điều 71 Luật thi hành án Dân sự quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành án “ Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ”. Áp dụng trong vụ án này, để kê biên đúng luật, trước hết cơ quan tố tụng phải chứng minh được rằng tài sản được kê biên để thi hành án là căn nhà khu Villa H2 đứng tên bà Nguyễn Thị Lang được mua bằng tiền của Huyền Như phạm tội mà có. Chứng cứ chứng minh không thể chỉ căn cứ vào lời khai của người phạm tội mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như: thời điểm bà Lang mua nhà, thời điểm Huyền Như phạm tội, nghề nghiệp cũng như mức thu nhập của bà Lang…Những chứng cứ này phải có sức thuyết phục.
“Căn biệt thự đứng tên bà Lang nhưng nếu thực sự được mua bằng tiền của Huyền Như thì việc xác định vấn đề này trong các vụ án là không khó, cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể truy ra được. Kể cả căn biệt thự đó được mua bằng tiền của Huyền Như trước khi phạm tội mà có thì vẫn bị kê biên tài sản như thường”, ông Đạo nói.
Về thời điểm Huyền Như phạm tội, theo cáo trạng của Tòa án nhân dân TP.HCM, Năm 2007, thời điểm đất đang “sốt”, dù gia đình không có điều kiện, Huyền Như vẫn liều lĩnh vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản và chứng khoán tại TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.
Mải mê chạy theo lợi nhuận, quên mất những nguy cơ tiềm ẩn, đến năm 2010, bất động sản đóng băng, Huyền Như lao đao vì lãi mẹ đẻ lãi con. Cùng đường, từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Nhằm thực hiện mục đích của mình, Huyền Như làm giả hàng loạt con dấu, chữ ký, hợp đồng để chiếm đoạt tiền của nhiều công ty, ngân hàng và cá nhân gần 4.000 tỉ đồng.
Nguyên Đan

Bình luận(0)