Máy bay VNA, Jetstar suýt va nhau: KSV không lưu thực tập

Google News

(Kiến Thức) - KSVKL điều hành 2 tàu bay không có giấy phép và năng định nhân viên không lưu (đang thực tập) dẫn đến sự việc máy bay suýt đụng nhau.

Liên quan đến vụ việc ngày 27/6, tại Cảng HKQT Đà Nẵng xảy ra sự cố kiểm soát viên không lưu (KSVKL) cấp huấn lệnh cho tàu bay PIC595 của Jetstar Pacific Airlines cất cánh khi tàu bay HVN130 của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường CHC khiến hai máy bay của hai hãng này suýt đụng nhau trên đường băng. Ngày 11/7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông cáo báo chí về vụ việc hy hữu trên.
Theo đó, ngay sau khi xảy ra sự việc, Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập đoàn điều tra sự cố. Theo nhận định của Cục Hàng không Việt Nam, đây là sự cố uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, thì có thể dẫn đến tai nạn. Sự cố thuộc loại B theo Quy chế báo cáo an toàn hàng không hiện hành.
Nói về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, trước khi cấp huấn lệnh cho tàu bay PIC595 cất cánh, KSVKL không quan sát đường CHC có tàu bay HVN130 chưa thoát ly khỏi đường CHC. Hơn nữa, KSVKL điều hành 2 tàu bay nêu trên không có giấy phép và năng định nhân viên không lưu (đang thực tập). Kíp trực Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng bố trí thiếu người so với quy định của Tài liệu hướng dẫn khai thác của cơ sở điều hành bay.
Cục Hàng không Việt Nam xác nhận lỗi vi phạm thuộc về các đơn vị như Công ty Quản lý bay miền Trung: Đã để xảy ra tình trạng KSVKL thực tập, chưa có giấy phép, năng định và chưa dự kiểm tra đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh theo quy định, trực tiếp tham gia điều hành hoạt động bay là vi phạm Quy chế không lưu hàng không dân dụng, Tài liệu hướng dẫn khai thác của Cơ sở Tiếp cận/Tại sân Đà Nẵng và Chỉ thị số 1408/CT-CHK ngày 05/05/2010 của Cục HKVN. Thứ hai là, Trung tâm kiểm soát tiếp cận và Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng đã Vi phạm quy định về việc sắp xếp, bố trí KSVKL cho kíp trực tại Đài KSKL. Cán bộ trực Trung tâm kiểm soát tiếp cận và Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng vi phạm về việc kiểm tra, giám sát giao nhận ca và duy trì ca trực.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, kíp trưởng Kíp trực Đài kiểm soát tại sân bay Đà Nẵng đã vi phạm về việc cho phép, hướng dẫn KSVKL thực tập trực tiếp điều hành bay; bố trí KSVKL hiệp đồng sang vị trí khác để nhập dữ liệu mã số ra đa trong khi đang có hoạt động bay; không thực hiện việc ghi sự cố vào Sổ nhật ký không lưu và không báo cáo sự cố.
Về việc các kiểm soát viên không lưu, Cục Hàng không cũng xác định, KSVKL thực tập vi phạm quy định về giấy phép hành nghề và KSVKL hiệp đồng đã vi phạm việc duy trì vị trí trực hiệp đồng trong thời gian đang có hoạt động bay. Tuy nhiên, 2 KSVKL này đã thực hiện theo phân công của kíp trưởng kíp trực.
Lái trưởng chuyến bay HVN130 đã vi phạm quy định về thời gian báo cáo sự cố hoạt động bay (Phụ lục VII Quy chế báo cáo an toàn hàng không: 72 giờ kể từ khi xảy ra sự cố).
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đưa ra biện pháp xử lý như thu hồi giấy phép và chứng chỉ của kíp trưởng kíp trực Phan Nho Quang. Không làm thủ tục đề nghị và kiểm tra cấp giấy phép cho KSVKL thực tập Trương Nguyễn Quỳnh Anh trong phạm vi tối thiểu 1 năm kể từ ngày xảy ra sự cố để tiếp tục huấn luyện thêm.
Đồng thời, Cục yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đình chỉ công việc đối với Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký công văn thông báo kết quả điều tra sự cố để thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm; Tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách công tác không lưu và Phó Giám đốc trực ngày 27/06/2014 của Công ty Quản lý bay miền Trung và báo cáo Cục kết quả thực hiện trước ngày 15/08/2014.
 Hai máy bay của hãng Vietnam Airlines và
Jetstar Pacific Airlines suýt đụng nhau (Ảnh minh họa)
Cục cũng chuyển Thanh tra Hàng không thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở Tiếp cận/Tại sân Đà Nẵng, cán bộ trực cơ sở Tiếp cận/Tại sân Đà Nẵng Ngô Xuân Vĩnh, kíp trưởng kíp trực Phan Nho Quang. Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét kỷ luật đối với cán bộ lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu đã để xảy ra các vi phạm tại đơn vị thuộc quyền quản lý.
Để ngăn ngừa tình trạng trên tái xảy ra, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tổ chức rút kinh nghiệm về sự cố nêu trên và phổ biến làm bài học kinh nghiệm cho toàn bộ lực lượng KSVKL. Tổ chức huấn luyện lại về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định về điều hành bay và về báo cáo sự cố; nhận thức về tầm quan trọng của các huấn lệnh không lưu cấp cho tổ lái; việc quản lý kíp trực, kỹ năng điều hành (nhất là việc quan sát hoạt động bay và cấp huấn lệnh), việc phối hợp trợ giúp trong ca trực. Chấn chỉnh ngay tình trạng bố trí, quản lý ca trực đảm bảo theo đúng quy định và tài liệu hướng dẫn khai thác của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, tuyệt đối không để KSVKL thực tập trực tiếp làm nhiệm vụ điều hành bay, hiệp đồng điều hành bay. Chỉ đạo các Công ty quản lý bay miền Bắc, miền Trung, miền Nam tăng cường phổ biến chính sách an toàn, nâng cao văn hóa an toàn đối với lực lượng KSVKL; tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ an toàn tại các đơn vị trực thuộc; thực hiện đầy đủ các yêu cầu và quy định về việc đánh giá rủi ro an toàn khi xuất hiện thay đổi trong phương án điều hành bay. Rà soát, báo cáo về Cục HKVN tình hình KSVKL của các cơ sở điều hành bay, tình hình hướng dẫn thực tập cho KSVKL; đề xuất, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp khắc phục.
Hai Tổng công ty HKVN và Công ty CPHK Jetstar Pacific phải tổ chức rút kinh nghiệm đối với tổ lái về việc không kịp thời báo cáo sự cố theo thời gian quy định tại Quy chế báo cáo an toàn hàng không.
Bản thân Cục Hàng không Việt Nam sẽ yêu cầu phòng Quản lý hoạt động bay phối hợp với các Cảng vụ HK miền Bắc, miền Trung và miền Nam rà soát lại số lượng và chất lượng đội ngũ KSVKL; đề xuất bổ sung hướng dẫn về yêu cầu, điều kiện và trình tự liên quan đến việc thực tập của KSVKL và việc kiểm tra cấp giấy phép, năng định điều hành bay; hoàn thành trước tháng 09/2014. Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay hướng dẫn hoàn thiện việc báo cáo sự cố của các hãng hàng không theo Quy chế báo cáo an toàn hàng không. Yêu cầu các cảng vụ HK miền Bắc, miền Trung và miền Nam tăng cường kiểm tra, giám sát về việc bố trí nhân lực và quản lý kíp trực, duy trì kỷ luật lao động tại các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong phạm vi trách nhiệm.
Cũng trong ngày hôm nay, Cục HKVN đã ban hành Chỉ thị số 2497/CT-CHK về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, duy trì ca kíp trực tại các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
Trước đó, sáng 11/7, trong cuộc họp bàn về chậm, hủy chuyến bay, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nhắc đến tình huống này và nói: “Nếu máy bay cất cánh thật sẽ là thảm họa”. Ông Thăng chỉ đạo Tổng Cty Điều hành bay phải làm rõ trách nhiệm về sự việc cụ thể trên và báo cáo về các sự cố trong 6 tháng qua.
Hải Ninh

Bình luận(0)