Lương nhân viên địa ốc giảm sốc hơn cả ngân hàng

Google News

Lương rơi xuống 2,5 triệu đồng/tháng, nhân viên ngân hàng vẫn giàu hơn nhân viên địa ốc khi ngành này giảm lương tới 100%.


Lương môi giới giảm 100%
Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đóng băng nên khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp ngành này. Chính vì vậy, không ai còn ngạc nhiên khi thấy những cựu “đại gia” bất động sản không ngừng than vãn bị giảm lương.
Anh H, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản cho biết sau nhiều đợt giảm lương, quý 1 năm nay, công ty anh tiếp tục cắt giảm thu nhập của người lao động. Chỉ sau vài năm, số tiền mà nhân viên nhận được đã giảm từ 50%-70%.
Theo anh H, bình quân, lương của môi giới bất động sản hiện tại ở công ty anh cũng như nhiều đơn vị khác chỉ dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/lượng. Theo lý thuyết, thu nhập của môi giới sẽ cao hơn vì được cộng thêm hoa hồng.
Khi thị trường sôi động, môi giới bất động sản gần như không quan tâm tới lương cứng vì hoa hồng mà họ nhận được có tháng lên tới cả chục triệu, thậm chí trăm triệu đồng. Nhưng hiện tại, lương cứng lại trở thành mối quan tâm hàng đầu vì hoa hồng trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Lương ngành bất động sản tiếp tục sụt giảm (Ảnh minh họa)  
Anh H cho biết: “Hiện tại cả thị trường bất động sản đều chán nản, không riêng gì sàn. Rất nhiều tháng, dù rất cố gắng nhưng công ty tôi không có bất cứ giao dịch nào thành công. Vì thế, nhân viên môi giới lấy đâu ra hoa hồng”.
Môi giới không bán được hàng, công ty không có doanh thu nên với những công ty chỉ đơn thuần hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hiện tượng quỹ lương bị âm thường xuyên xảy ra. Vì thế, nợ lượng, chậm lương đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”.
“Rất may bên công ty tôi còn nhiều mảng khác đều bù vào nên công ty cũng đáp ứng được điều kiện tối thiểu là trả lương đều đặn” - Anh H chia sẻ thêm.
Cũng tại một số công ty hoạt động chuyên về bất động sản, môi giới thậm chí còn bị giảm lương tới …. 100%. Điều đó có nghĩa môi giới không nhận được lương cứng mà chỉ nhận được hỗ trợ như bảo hiểm. Thu nhập của môi giới hoàn toàn đến từ hoa hồng.
Theo anh H, nhân viên các bộ phận khác thì ổn hơn môi giới một chút khi nhận khoản lương dao động từ 4 triệu đồng tới 5 triệu đồng/tháng.
Anh C, nhân viên của một Viện nghiên cứu chia sẻ, anh có mức lương cao hơn, khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập của những tháng nhiều việc. Còn trong tháng “cô hồn” này, chắc chắn anh sẽ không đạt được 6 triệu vì công việc giảm hẳn.
“Lương 6 triệu đồng tại thời điểm này không phải quá thấp nhưng xét cho cùng, có khi còn thấp hơn lương 4 triệu vì tôi làm ở đây đã 1,5 năm mà chưa được ký hợp đồng. Lý do lãnh đạo đưa ra là do quỹ lương của công ty âm nên không có chỉ tiêu tuyển người. Bây giờ tôi làm việc chỉ như cộng tác viên thôi, không có chế độ gì cả” - Anh C bùi ngùi.
Lương sếp không đủ đóng thuế
Tại các công ty bất động sản, không chỉ nhân viên bị giảm lương, các sếp cũng phải chịu cảnh thâm hụt “ngân sách”.
Cuối tháng 7, chị M.B, trưởng phòng một công ty bất động ở Mỹ Đình than vãn “lại bị giảm lương”. Khi được hỏi lương giảm xuống bao nhiêu, chị M.B không tiết lộ mà chỉ cho biết số tiền chị nhận được hàng tháng bây giờ không đủ mức để đóng thuế thu nhập cá nhân.
“Trước đây, lương của tôi là hơn 20 triệu đồng/tháng. Đấy chỉ là lương cứng thôi. Ngoài ra, tôi còn liên tục nhận được thưởng, từ thưởng hoàn thành chỉ tiêu tới thưởng 20/10, 8/3,… Thế nhưng lương của tôi liên tục bị cắt giảm. Bây giờ thu nhập hàng tháng không đạt mức đóng thuế thu nhập cá nhân”. - Chị M.B tiết lộ.
Không chỉ cắt giảm lương, các khoản thưởng gần như biến mất hoàn toàn. Tới thưởng Tết mà ban lãnh đạo còn băn khoăn chứ đừng nói gì đến thưởng 2/9 hay 20/10.
Trong khi đó, tại Viện nghiên cứu, nơi anh C làm việc, thu nhập của lãnh đạo dù cao hơn chị M.B nhưng cũng đã giảm đáng kể. Anh C cho biết, theo báo cáo thu nhập 6 tháng đầu năm, những sếp mang về hợp đồng cho công ty có thu nhập 30 triệu đồng tới 40 triệu đồng/tháng, sếp thấp hơn hưởng thu nhập 8 triệu đồng tới 12 triệu đồng. Anh C nhấn mạnh đây là thu nhập chứ không phải lương.
“Các sếp đều có 2 con nên sau khi giảm trừ gia cảnh, nhiều sếp cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân” - Anh C phân tích.
Anh C cho biết, vì thu nhập giảm nên không chỉ các nhân viên quèn như anh tìm việc làm thêm mà một số sếp nhỏ cũng “tăng gia sản xuất”.
Theo VTC

Bình luận(0)