1 HCV SEA Games bằng 20 lượng vàng 9999...
Mặc dù đã tiết kiệm chi phí bằng cách giảm hơn 100 suất so với SEA Games 26 năm 2011, nhưng đoàn TTVN tới Myanmar vẫn lên tới 750 thành viên, trong số đó 519 VĐV, 231 cán bộ, HLV...
VN là đoàn đông thứ ba sau đoàn Thái Lan và chủ nhà Myanmar. Theo quy định, các đoàn đến SEA Games phải đóng lệ phí 50USD/người/ngày. Như vậy với 750 thành viên, mỗi ngày đoàn TTVN sẽ phải trả 37.500USD, tương đương 800 triệu đồng/ngày. Tính từ ngày lên đường, cho tới lúc bế mạc, đoàn TTVN sẽ tiêu khoảng 700.000USD (15 tỉ đồng) tại Myanmar.
Đó là chưa kể khoản tiền thuê 3 chuyên cơ từ Vietnam Airlines cho các thành viên trong đoàn. Còn khoản tiền chuẩn bị để “thưởng” cũng khiến các quan chức ngành TDTT đau đầu.
Tại SEA Games 2011 tại Indonesia, với tổng số 288 huy chương, trong đó có 96 HCV, số tiền ngân sách chi ra để thưởng là 22 tỉ đồng.
Năm nay, để tiết kiệm chi tiêu, các khoản thưởng nóng giảm từ 9 triệu xuống còn 6 triệu đồng cho mỗi HCV, tuy nhiên với dự báo hơn 70 HCV thì quỹ thưởng cũng không dưới 17 tỉ.
Một khoản nặng khác là tiền chế độ ăn uống, thuốc bổ được tăng lên từ đầu tháng 9 cho “mục tiêu SEA Games”, riêng tiền ăn được nâng lên từ 200.000 đồng/ngày lên 300.000 đồng/ngày. Như vậy chỉ tính tiền ăn cho các mục tiêu SEA Games, ngân sách đã tốn thêm 19 tỉ đồng. Cộng các khoản, ít nhất 50 tỉ đồng từ ngân sách đã và sẽ được chi cho đoàn TTVN tại SEA Games. Nếu SEA Games này, đoàn TTVN đạt chỉ tiêu 70 HCV thì mỗi HCV SEA Games đã được “đầu tư” 700 triệu đồng, tương đương... 20 lượng vàng 9999.
|
HCV của bóng đá nam được chờ đợi nhiều nhất.
|
... nhưng còn rẻ hơn… Thái Lan
Ngay trước thềm SEA Games 27, báo chí và nhiều quan chức thể thao Thái Lan đã bày tỏ quan điểm “Ngày hội thể thao khu vực gây lãng phí lớn”. Trên tờ Bangkok Post, ông Charoen Wattanasin của Ủy ban Olympic Thái Lan cho rằng: “Việc Thái Lan bỏ ra tới 10 triệu USD (300 triệu baht, tương đương 200 tỉ đồng Việt Nam) để thực hiện mục tiêu hơn 100 HCV là rất lãng phí. Trong số 100 HCV này sẽ có những HCV lấy xong rồi về bỏ xó, ví dụ như môn chilone, kempo...”. Ông Charoen kết luận: “Chỉ nên đầu tư một số môn Olympic, số tiền còn lại nên đầu tư cho đất nước đang còn rất khó khăn”.
Phát biểu của ông Charen được báo chí Thái Lan ủng hộ nhiệt liệt. Tờ Bangkok Post liệt kê ra, mỗi kỳ SEA Games số môn mới và chủ nhà chiếm ưu thế chiếm 3/4 và chỉ có 1/3 các môn thi là phù hợp với đấu trường Olympic”.
Trong khi đó, Malaysia - quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương đương 10.000USD/năm (gấp khoảng 6 lần VN) - chỉ nhận được khoản đầu tư tương đương 2 triệu ringgit (khoảng 13 tỉ đồng) cho hành trình dự SEA Games. Malaysia đến SEA Games này với hơn 800 VĐV, quan chức, nhưng đặt mục tiêu khiêm tốn là 30-40 HCV. Phía Malaysia cũng bày tỏ không quá quan trọng thành tích khi không đưa những VĐV xuất sắc nhất thi đấu, điển hình là Lee Chong Wei - VĐV số 1 thế giới và không có đối thủ ở SEA Games.
Philippines - đất nước liên tục chịu thảm họa thiên tai vừa trải qua siêu bão Haiyan - đã tuyên bố không cử đội bóng đá U.23 dự SEA Games với lý do “tốn tiền mà không có thành tích gì”.
700 triệu đồng/1 HCV là đắt hay rẻ?
Ngay trước khi đoàn TTVN lên đường sang Myanmar, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng con số 750 thành viên (trong đó có với 519 VĐV) là quá đông.
Ngoài một số môn thế mạnh và có khả năng đoạt nhiều huy chương thì vẫn có những môn đi đông, nhưng chỉ tiêu lại rất... thấp. Ví dụ, đội tuyển bi sắt có tới 28 thành viên (24 VĐV), nhưng chỉ tiêu rất khiêm tốn, chỉ là... 1 HCV. Hay như kempo - môn thể thao khá lạ lẫm - cũng góp mặt tới 24 thành viên với chỉ tiêu khoảng 3-4 HCV. Vấn đề là kempo là môn khá đặc thù và dù từng xuất hiện ở SEA Games 26 - 2011 thì khả năng phát triển môn này ở Việt Nam là rất khó.
Trong khi đó, hockey trên cỏ với 22 thành viên dù đã “xã hội hóa” với gói tài trợ 300 triệu đồng thì khả năng đoạt HCV đã khó, để phát triển môn này ở VN càng khó hơn.
Nhưng cũng có những HCV đáng giá hàng tỉ, đáng đổi hàng chục HCV khác. Đó là HCV bóng đá. Đội U.23 Việt Nam cũng lên đường tối qua, trên chuyên cơ của Đoàn TTVN.