"Móc túi" cả người mù
Vợ chồng ông Ya B’ray, ngụ tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng năm nay đã ngoài 70 tuổi, bản thân ông bị mù, con cái đã lập gia đình và ở riêng nên tất cả gánh nặng đặt lên vai người vợ già. Trước đây, trung bình mỗi tháng gia đình ông chỉ dùng cao nhất là 40.000 đồng tiền điện. Thế nhưng thời gian gần đây, đôi vợ chồng già này có tháng phải đóng tới 140.000 đồng trong khi chỉ dùng để thắp 2 bóng: Mùa hè thắp sáng từ 19h đến 20h30 là tắt đi ngủ. Riêng bóng nhà bếp chỉ thắp khoảng 30 phút mỗi tối, thập chí có ngày không thắp.
|
Ông B'ray đang khốn đốn với tiền điện.
|
Thấy đôi vợ chồng già sống quá nghèo khổ, hằng tháng lại phải đóng cả trăm nghìn tiền điện, ai cũng ngạc nhiên. Ngày 5/9 vừa qua, một người hàng xóm đã cầm hóa đơn tính tiền điện của hộ ông B’ray trèo lên đối chiếu với chỉ số điện trên công tơ và sự việc bắt đầu được vỡ lẽ: gia đình ông B’ray đang bị điện lực Đức Trọng móc túi một cách trắng trợn.
Cụ thể, hóa đơn tính tiền của điện lực huyện Đức Trọng cho hộ ông B’ray từ ngày 14/7 đến 13/8, ghi chỉ số cũ là 574, chỉ số mới là 620, thành tiền gia đình ông B’ray phải đóng là 70.233 đồng. Tuy nhiên, đến ngày 5/9, tức 23 ngày sau khi có hóa đơn tính điền điện trên, công tơ điện của hộ ông B’ray báo mới dùng đến chỉ số 565.
|
Hóa đơn tiền điện của gia đình ông B'ray đến ngày 13/8 báo đã dùng đến số 620 nhưng thực tế, 23 ngày sau (5/9), khi kiểm tra công tơ điện mới chỉ đến số 565. |
Một chiêu móc túi khách hàng khác của điện lực huyện Đức Trọng được anh Hà Nam Đức, thôn B’liang, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng phản ánh: “Tháng vừa qua, gia đình tôi nhận được hóa đơn tính tiền điện trong tháng là 140 số, thành tiền phải đóng là 228.195 đồng. Nghi ngờ ngành điện đang cố tình ghi thấp hơn so với chỉ số điện dùng trên thực tế để dồn lại vượt khung tính với đơn giá cao nhất của điện sinh hoạt tại địa phương là 1.660 đồng/số, tôi trèo lên kiểm tra công tơ điện mới phát hiện trong tháng 8, gia đình dùng hết 305 số nhưng điện lực huyện Đức Trọng chỉ ghi trong hóa đơn là 140 số, 165 số còn lại ngành điện lại phớt lờ. Điều đó lý giải vì sao hai năm qua, mỗi năm đều đặn hai lần gia đình tôi lại phải đóng tiền điện cao gấp từ hai đến ba lần mức bình thường”.
|
Anh Hà Nam Đức kiểm tra số điện thực tế và ghi trên hóa đơn |
Tìm hiểu tại địa phương được biết, hàng chục hộ khác cũng đã bị điện lực huyện Đức Trọng gian lận với hình thức tương tự như trường hợp của gia đình anh Hà Nam Đức. Theo phản ánh của cư dân đia phương, do bị ngành điện móc túi trắng trợn nên đã có không ít lần xảy ra xô xát giữa người dân với nhân viên ghi và thu tiền điện.
Anh Lê Hồng Nghĩa, thôn 1, xã Tà Hine lại cho biết, có những tháng gia đình anh hầu như không dùng đến tiện, khóa cửa nhà để đi làm ăn nhưng không hiểu sang nhân viên thu tiền tiện vẫn đem hóa đơn tới yêu cầu gia đình anh trả 200.000 đồng. “Bị tôi phản ứng, nhân viên thu tiền điện nói rằng cứ cầm lấy, khi nào dùng đến số điện này thì đóng!”, vợ anh Nghĩa kể lại.
"Không để khách hàng chịu thiệt"
Ông Ya Hanh, Chủ tịch UBND xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, cho biết, hiện toàn xã có trên 730 hộ gia đình dùng điện, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 82%. Liên quan đến sự việc trên, xã sẽ tiến hành họp dân, nghe dân trình bày, ghi nhận ý kiến để chuyển tới điện lực huyện Đức Trọng vào cuộc kiểm tra.
|
Hàng chục gia đình đang trở thành nạn nhân của ngành điện lực huyện Đức Trọng |
Sau khi nghe PV trình bày lại toàn bộ sự việc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc điện lực huyện Đức Trọng cam kết: “Chúng tôi sẽ gấp rút kiểm tra, có biện pháp xử lý, nhất định không để cho khách hàng chịu thiệt”.
Theo ông Sơn, người chịu trách nhiệm ghi và thu tiền điện tại xã Tà Hine là ông Nguyễn Văn Trung. “Hằng tháng, căn cứ vào chỉ số điện của khách hàng đã dùng được ông Trung báo lên, Công ty điện lực Đức Trọng in hóa đơn rồi lại chuyển về địa phương cho ông Trung thu tiền”, ông Sơn cho biết.