Tính toán giá điện khó hiểu: Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Từ trước tới nay, người dân thấy việc tính toán giá điện rất phức tạp, khó hiểu. Nười dân có thể cùng tham gia giám sát giá điện và bằng cách nào?


Điện, giá điện và khả năng cung ứng điện luôn là một vấn đề nóng, nhất là mỗi khi mùa hè và mùa khô lại tới. Đại diện của Bộ Công Thương trong cuộc họp báo định kỳ gần đây nhất cũng thừa nhận, để người dân còn thắc mắc băn khoăn về sự minh bạch của giá điện, giá xăng dầu là một thiếu sót của cơ quan quản lý.
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 11/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải thích những vấn đề về minh bạch giá điện cũng như việc đảm bảo không để thiếu điện trong mùa khô 2014 và 2015.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời.
PV: Trước đây, nghe báo chí nói nhiều nhưng tôi thực sự cũng không hiểu cái gọi là “thị trường phát điện cạnh tranh”, nghĩa là thị trường của mấy công ty bán điện cạnh tranh với nhau bán cho EVN thì có liên quan gì đến những người dân? Chúng tôi đang phải mua điện với một mức giá quy định khá cao, làm sao mà người dân biết được giá điện EVN mua vào như nào để biết rằng giá điện mình phải mua là có hợp lý không?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thị trường phát điện cạnh tranh là các nhà máy điện trong một hệ thống điện, chào giá bán cho người mua và trên cơ sở giá bán chào đó thì người mua được lựa chọn những nhà máy chào giá thấp nhất, đó là nguyên tắc về “thị trường phát điện cạnh tranh”.
Thứ hai, thực hiện theo Luật Điện lực, cũng như quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1/7/2012, chúng ta triển khai vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức. Cho đến nay, có 49 nhà máy điện với tổng công suất khoảng 12.300 MW chiếm khoảng 42% tổng công suất thiết kế của toàn bộ hệ thống điện tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh chính thức. Những nhà máy này bao gồm: Nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số nhà máy điện độc lập.
Vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh có nghĩa là các nhà máy điện phải phấn đấu để giảm chi phí trong sản xuất và qua đó sẽ được ưu tiên tham gia vào việc cung cấp điện. Tôi nghĩ đây là một trong những điều kiện để một mặt người sản xuất điện có thể sản xuất được giá điện với giá rẻ, mặt khác người thụ hưởng, tức là người dân, có thể được hưởng từ giá điện thấp đó, bởi vì hiện nay giá sản xuất điện chiếm khoảng 70% trong tổng giá thành điện đến người tiêu dùng. Nếu giá điện bán cho EVN càng thấp thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ giá điện thấp đó, đấy chính là mục đích của việc đưa ra thị trường phát điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc chúng ta công bố công khai những nội dung liên quan đến giá điện cũng như tình hình hoạt động sản xuất của ngành điện nói chung vẫn còn một số những bất cập, những hạn chế. Chính vì vậy, người tiêu dùng có nhu cầu cần phải được nắm rất rõ những chi phí, những yếu tố liên quan đến giá thành điện và từ đó liên quan đến giá bán điện cho người dân. Và đây chính là một trong những nguyên nhân Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11 ngày 22/4/2014 về công khai minh bạch giá điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng năm nay sẽ vận hành điện trong trạng thái tốt nhất.
PV: Như Bộ trưởng vừa cho biết, Bộ Công Thương vừa ra một chỉ thị riêng về minh bạch hoạt động kinh doanh thị trường điện và xăng dầu, một số người đã bày tỏ băn khoăn rằng, người dân như sẽ có quyền lợi gì từ chỉ thị này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Theo chủ trương chung, tôi muốn nói rằng, chủ trương từ Quốc hội đến Chính phủ, đến Thủ tướng Chính phủ, những hàng hóa thiết yếu phục vụ cho sản xuất và cho đời sống của nhân dân cần được thực hiện theo cơ chế công khai hóa, minh bạch hóa bởi vì nó liên quan đến quyền lợi của người sử dụng.
Riêng đối với mặt hàng điện và kể cả xăng dầu, đây là 2 mặt hàng hết sức quan trọng cho đời sống, sản xuất hằng ngày. Chúng ta có chủ trương 2 mặt hàng này, một mặt thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng mặt khác phải có sự điều tiết của Nhà nước. Bởi vì nó liên quan đến cuộc sống của từng người dân, việc nhà nước điều tiết giá điện và xăng dầu để tránh tình trạng việc quy định giá, việc bán sản phẩm điện, xăng dầu đến người tiêu dùng có những cái không hợp lý.
Trong Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương có 3 nội dung chính: Một là, phải công khai những quy định về mặt pháp luật đối với vấn đề giá điện, giá xăng dầu, cơ chế, biện pháp để điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với giá điện, giá xăng dầu. Thứ hai, công khai về chi phí của ngành điện cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong đó có cả về cơ cấu giá thành, có cả những biến động của thị trường đối với loại hàng hóa đó, và cả những thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh kể cả về thu nhập của cán bộ công nhân viên ngành điện, ngành xăng dầu. Thứ ba, quy định những cơ quan, những thiết chế, phương tiện thực hiện việc công khai hóa, minh bạch hóa nhằm thông tin đó có thể đến với người dân một cách rộng rãi nhất, phổ cập nhất, thường xuyên nhất.
Tôi cho rằng với 3 nội dung của Chỉ thị 11 nhằm mục đích để cho giá điện, giá xăng dầu công khai, minh bạch, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc nhận những thông tin công khai như thế. Và qua những thông tin như vậy, người dân biết được quy định pháp luật về vấn đề này, sẽ có điều kiện kiểm tra, giám sát xem ngành điện và ngành xăng dầu có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không. Ngoài ra, qua việc công bố công khai cơ cấu về giá điện cũng như giá xăng dầu, người dân có quyền được lựa chọn giá hợp lý đối với mình. Thứ ba, với việc công khai này, người dân có khả năng tự xem xét, tự quyết định xem mình sử dụng điện, xăng dầu cho tiết kiệm và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đấy là những lợi ích mà Chỉ thị 11 này mang lại.
PV: Điện là mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Từ trước tới nay, người dân thấy việc tính toán giá điện rất phức tạp, rất khó hiểu. Chúng tôi muốn hỏi Bộ trưởng rằng, sau khi Chỉ thị 11 được Bộ Công Thương ban hành thì người dân có thể cùng tham gia giám sát giá điện của EVN được hay không? Và bằng cách nào?"
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Một trong những mục tiêu của việc ban hành Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương đó là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể giám sát được hoạt động của các đơn vị sản xuất điện và xăng dầu cũng như kể cả giám sát hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là việc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ, tất cả những sản phẩm này cần phải được công khai minh bạch càng chi tiết càng tốt, không có lí do gì không công khai, minh bạch.
Vừa qua chúng ta đã làm được một số việc, các cơ quan quản lý nhà nước cũng thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành điện, ngành xăng dầu và cũng định kỳ, thường xuyên công bố công khai những thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị này. Tuy nhiên, do việc chúng ta làm chưa có hệ thống, chưa liên tục, nhiều nội dung cũng chưa được công bố công khai đầy đủ, vì thế việc ban hành Chỉ thị 11 nhằm khắc phục những khiếm khuyết, những bất cập trong việc công khai, minh bạch trước đây, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách đầy đủ, khách quan tình hình sản xuất kinh doanh của ngành điện, của ngành xăng dầu và đặc biệt là biết được là vì sao phải mua điện, mua xăng dầu với giá đó?
Tôi hiểu rằng, nhân dân ta luôn ủng hộ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng khi những chủ trương chính sách đó được thể chế hóa, người dân rất muốn các cơ quan thực hiện thể chế hóa đó, đó là quyền rất hợp lý của người dân, đồng thời cũng là ý thức của người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sản xuất điện và xăng dầu phải nhận thức rõ trách nhiệm đó. Việc công khai minh bạch không phải chỉ là làm cho bản thân hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn làm cho người dân hiểu, ủng hộ, chia sẻ và đồng tình với những chủ trương chính sách, cơ chế mà Đảng và nhà nước ban hành.
PV: Hiện nay, chuẩn bị vào cao điểm mùa khô, nhu cầu dùng điện sẽ tăng cao. Trong khi có nhiều thông tin cho rằng khả năng cấp khí cho nhà máy Cà Mau ở phía Nam bị suy giảm. Bộ trưởng có thể cho biết chúng ta có thiếu điện trong năm nay hay không? Và có nguy cơ bị cắt điện luân phiên trong mùa hè sắp tới hay không?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chưa có lúc nào ngành điện vận hành trong trạng thái tốt như thế này, tốt nghĩa là chúng ta có dự phòng. Bình quân hiện nay hệ số dự phòng khoảng 20% trên tổng nhu cầu điện. Như vậy có nghĩa rằng, trong tình hình bình thường, khi nhu cầu điện tăng bình quân chừng 10-11%, ngành điện hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu, và điều này cũng đúng với năm 2014 và kể cả năm 2015.
Tuy nhiên, có dự phòng và dự phòng với tỷ lệ như vậy nhưng nếu chẳng may nó xảy ra một sự cố lớn thì cũng có thể có thời điểm việc cung cấp điện có khó khăn. Vừa qua, do sự cố của mỏ khí ở phía ngoài khơi vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, cho nên việc cung cấp khí cho sản xuất điện có bị ảnh hưởng.
Đứng trước tình hình này, ngành điện cũng đã có những phương án để ứng phó, trong đó đặc biệt là đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku – Mỹ Phước - Cầu Bông. Đây là nguồn điện 500kV thứ hai để cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngày 5/5 vừa qua đã vận hành rồi và vận hành rất tốt, đảm bảo cho việc cung ứng điện cho mùa khô này của khu vực phía Nam.
Ngoài ra, ngành điện cũng có một phương án dự phòng nữa nếu trường hợp có yêu cầu cao hơn về điện thì sẽ huy động các nhà máy điện chạy những nguồn nguyên liệu khác như chạy dầu diezen, chạy dầu ma giút thì ngành điện sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện cho các tháng mùa khô của năm nay cũng như năm 2015./.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Khánh Tường

Bình luận(0)