Trong một căn phòng lớn, tại một tòa nhà văn phòng hiện đại ở Seoul, nhân viên thuộc công ty nhân sự Staffs đang sắp xếp tổ chức đám tang mô phỏng, dành cho chính họ.
Trải qua đám tang để quý trọng cuộc sống
Mặc những chiếc áo choàng trắng, họ ngồi tại bàn và viết những bức thư tuyệt mệnh gửi cho người thân yêu. Những tiếng sụt sịt bắt đầu vang lên, dần chuyển thành tiếng khóc nấc.
Và rồi đỉnh điểm là khi họ đứng dậy, đi tới bên cạnh những chiếc quan tài gỗ để gần đó. Họ dừng lại đôi chút, trước khi nằm vào quan tài. Mỗi người mang theo một bức ảnh của mình, được quấn băng đen đầy tang tóc.
Khi họ nhìn lên, những chiếc quan tài lần lượt được một người đàn ông mặc đồ đen, đội mũ cao, đại diện cho Tử thần, đóng dần lại. Khi nằm trong quan tài, từng người lao động sẽ suy ngẫm lại ý nghĩa của cuộc sống.
|
Nhân viên công ty Staffs tham gia đám tang giả của chính họ. |
Nghi lễ tham gia đám tang của chính mình có vẻ quái dị này thực ra là một bài học giá trị mà chủ lao động muốn dạy cho các nhân viên về giá trị cuộc sống. Trước khi vào nằm trong quan tài, họ đã được xem video về những người có cuộc sống kém may mắn, nhưng vẫn nỗ lực thắng nghịch cảnh.
Đó là các bệnh nhân ung thư vẫn đang cố sống hết mình. Đó là người sinh ra không có chân tay, nhưng vẫn cố học bơi.
Theo Jeong Yong-mun, tất cả những điều này được thiết kế để giúp người lao động đương đầu và chấp nhận với các vấn đề của họ. Jeong hiện điều hành Trung tâm điều trị Hyowon và công việc trước đó của ông là trong một nhà xác.
"Công ty của chúng tôi khuyến khích người lao động thay đổi cách thức tư duy cũ của họ, nhưng thường không có nhiều sự khác biệt thực sự xảy ra" - Chủ tịch Staffs, ông Park Chun-woong, cho biết - "Tôi đã nghĩ tới việc đưa họ vào trong quan tài, coi đây là trải nghiệm gây sốc, có thể thiết lập lại tâm trí của họ, giúp họ có một thái độ hoàn toàn mới."
Cần nhiều điều hơn ngoài những tiếng cười gượng ép
Hiện chưa rõ người lao động sẽ thu được gì từ chuyện này, nhưng có vẻ như nó đã tạo ra ít nhiều tác động. "Sau trải nghiệm trong quan tài, tôi nhận ra rằng mình nên sống theo một phong cách khác" - Cho Yong-tae nói khi anh ngồi dậy từ chiếc áo quan - "Tôi nhận ra mình đã mắc quá nhiều sai lầm. Tôi hy vọng sẽ đam mê hơn trong mọi công việc mình làm và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình."
Về phần mình, Park Chun-woong tin rằng trách nhiệm của các chủ lao động phải vượt ra ngoài ranh giới một văn phòng. Ông thường gửi hoa tới cho cha mẹ của người lao động, chỉ để cảm ơn họ đã nuôi nấng con cái trưởng thành.
Ông cũng cho biết người lao động phải thực hiện một nghi thức khác vào mỗi buổi sáng khi họ tới nơi làm. Đó là tập thể dục và luyện... cười theo nhóm. Tất cả sẽ phải cùng nhau cười thật lớn, kể cả khi nụ cười đó là gượng ép. Với người ngoài, chứng kiến cảnh tượng như vậy mang lại cảm giác kỳ quái. Nhưng Park tin rằng hoạt động đó có lợi.
"Đầu tiên, cười cùng nhau mang tới cảm giác kỳ cục và tôi không biết liệu việc đó có ích lợi gì không" - một người phụ nữ nói - "Nhưng một khi bắt đầu cười, bạn không thể không để ý tới gương mặt các đồng nghiệp ở quanh và kết quả là bạn sẽ cười một cách sảng khoái thực sự cùng họ".
Người phụ nữ này cũng cho rằng tiếng cười vẫn còn hiếm hoi trong môi trường công sở ở Hàn Quốc và nụ cười quả có mang lại tác động tích cực mà người ta không thể ngờ.
Rõ ràng là các công ty Hàn Quốc cần thêm nhiều hơn nữa những tiếng cười. Đất nước này có tỷ lệ tự sát cao nhất trong các nước công nghiệp. Người lao động Hàn Quốc thường phàn nàn về việc họ luôn phải tới văn phòng trước sếp và làm việc cho tới khi sếp về nhà. Hiệp hội bác sĩ thần kinh Hàn Quốc thấy rằng 1/4 những người được họ phỏng vấn đều bộc lộ dấu hiệu bị căng thẳng mà nguyên nhân chủ đạo là do công việc.
Năm ngoái, chính quyền Seoul đã tìm cách thay đổi văn hóa lao động, bằng cách yêu cầu các công ty cho nhân viên ngủ trưa ít nhất 1 giờ. Tuy nhiên, người nào ngủ trưa sẽ phải làm việc sớm hơn hoặc muộn hơn để bù lại. Kết quả là sáng kiến này không nhận được nhiều sự hưởng ứng, một phần bởi tính cạnh tranh cao hình thành từ bé khiến người lao động không muốn chiều chuộng quá mức bản thân họ.
Và trong một xã hội cạnh tranh khủng khiếp như ở Hàn Quốc, không ngạc nhiên khi bất kỳ ai cũng cảm thấy họ phải chịu áp lực khổng lồ.
Có lẽ, người ta còn phải làm nhiều hơn là tổ chức các đám tang giả vờ để khiến người lao động nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra thì một nụ cười gượng gạo cũng không phải nụ cười thực sự, xuất phát từ niềm vui. Đó chỉ là nụ cười hình thành từ sự ép buộc.