Ngư dân làm nghề câu xa bờ các tỉnh Nam Trung Bộ mùa này phải đánh đổi hiểm nguy để lấy miếng cơm manh áo. Chuyến này bù sớt chuyến kia…
Tàu lỗ, tàu huề, tàu lãi
Trong mưa gió lâm thâm, tàu PY-96219 về cảng phường 6 (Tuy Hòa, Phú Yên) bốc dỡ cá. Chủ tàu Hồ Thanh Cầm cho hay, chuyến này đi đúng 1 tháng 10 ngày (xuất bến 25.9), câu được 20 con cá ngừ đại dương (CNĐD) và trên 30 con cá cờ, cá nhám. Tổng tiền bán cá 200 triệu đồng, trong lúc phí tổn 170 triệu đồng, tiền chia cho 10 ngư dân đi bạn chỉ 1 triệu đồng/người. “Tàu này coi như hòa vốn, làm “không công” cho biển” - ông Cầm nói.
|
Nụ cười giữa gió mưa đầu vụ “bò gù”. |
Cạnh đó, tàu PY-96455 cập bến sau khi câu được 15 con CNĐD, lỗ tổn 24 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ tàu Trần Ngọc Cường cho biết “vẫn phải cố gắng chi cho anh em bạn một ít tiền để lo gia đình”. Chuyến biển này, ngoài lỗ tổn, tàu ông Cường còn bị mất giàn móc câu với 500 lưỡi chuyên CNĐD, trị giá 70 triệu đồng. Thế nhưng ông Cường nói: “5 ngày nữa, tàu lại ra khơi. Kỳ này gió bấc thổi “săn”, cá bắt đầu có nhiều. Nghề gù chi phí lớn thì phải lấy nó bù nó. Hơn một năm qua, nghề gù đói rồi, bây giờ phải tranh thủ…”.
Thế nhưng cùng đợt, tàu ông Trần Bông (PY-92312) và ông Nguyễn Mạnh Hùng (PY-92122) đều về bến với mức lãi khá cao; 20 ngư dân đi bạn đã được chia ở mức 9,5 triệu đồng/người. Đây đều là những tàu bám biển khoảng 40 ngày giữa mùa biển động.
Và dù không quá tấp nập nhưng cảng cá phường 6 Tuy Hòa đã “nhúc nhích” nhộn nhịp trở lại. Xe đông lạnh chạy vào chạy ra “ăn” hàng, mấy cây xăng dầu và cung ứng đá lạnh quanh cảng cũng đã mở cửa thường xuyên... Đặc biệt, “đội quân” những phụ nữ khiêng cá trở lại có việc làm, mặc dù chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng/ngày, nhưng “có chuyện làm là đỡ rồi” - một chị nói.
Theo Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng (Tuy Hòa), từ cuối tháng 9.2014 đến nay, đã có 40 tàu CNĐD xuất bến từ cảng cá phường 6, với khoảng 30% tàu về bến có lãi. Còn theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, mùa này cứ 10 tàu CNĐD ra khơi là có “4 lãi - 3 hòa - 3 thua”. Giá cá bò gù loại 1 lúc này tại Tuy Hòa là 150.000 đồng/kg. Ngư dân Phú Yên chủ yếu áp dụng kiểu câu vàng nên chất lượng cá khá tốt, nhiều con đủ chuẩn xuất thẳng sang thị trường Nhật...
Đổi dông gió lấy chén cơm
Cũng theo ông Phan Thuẫn, mùa đánh bắt CNĐD chỉ tập trung khoảng 5 tháng trước và sau Tết Nguyên đán, nên dù biển động cũng phải tranh thủ ra khơi, trừ những ngày bão lớn. “Nhiều nghề thấy mưa dầm, gió bấc là nằm nhà, nhưng nghề gù thì ngược lại. Làm ăn mùa biển động nên các nhóm tàu đều cắt cử người theo dõi rất kỹ các bản tin dự báo thời tiết, để kịp thời tránh né những khu vực biển động nguy hiểm. Lúc này, anh em tập trung đánh bắt khu vực Trường Sa, để có bề gì thì nhờ cậy các đảo có hải quân mình. Biển vào mùa có bò gù, ngư dân ở đây mừng lắm. Bởi hơn một năm qua, cá quá khan hiếm, hàng loạt tàu nằm bờ đói dài, anh em bạn đi làm thuê tứ phương…”- ông Thuẫn cho hay.
Mùa CNĐD bắt đầu cũng là lúc thêm nhiều thông tin tàu cá bị nạn. Vừa thoát nạn và bỏ lại chiếc tàu BĐ-95135 (trị giá trên 1,1 tỷ đồng) giữa biển Trường Sa, thuyền trưởng Phan Thanh Tẩn (ở Hoài Nhơn, Bình Định) nói: “Tàu xuất bến từ 9.10, đến 15.10 ra tới ngư trường, chưa câu được con cá nào thì bị nạn. Tàu bị bục mạn vào lúc mờ sáng khi va vào cây gỗ lớn trôi trên biển. May nhờ tàu cá của anh Phan Văn Trị ở Phú Yên kịp thời cứu giúp 6 anh em, nhưng không thể kéo tàu trong tình trạng bị nghiêng ngả giữa lúc sóng lớn, đành phải thả chìm. Mất con tàu gia sản này, chắc tui phải trở lại làm công đi bạn bò gù…”-anh Tẩn nói.
Theo ông Thuẫn và các ngư dân, mong ước có “tàu chắc, máy tốt” luôn thường trực trong nghề bò gù. Thế nhưng đồng vốn quá lớn đã làm cho nhiều người không thể với tới. “Ví như, việc cho vay ưu đãi theo Nghị định 67/CP đòi hỏi tàu phải trang bị máy mới 100%. Thế nhưng máy đúng chuẩn lúc này đều có giá vài tỷ đồng, chỉ một số chủ tàu “đại gia” mới đáp ứng được. Trong lúc, trang bị máy “trôi nổi” thì cỡ vài trăm triệu đồng, nên nhiều hộ chủ tàu dễ sắm hơn. Còn việc chung nhau góp vốn để sắm tàu lớn thì thực tế rất khó ở các làng biển. Bởi “chung chạ” tiền bạc rất dễ nảy sinh bất đồng…”- ông Thuẫn cho hay.
Thế rồi, giữa mùa dông gió, thông tin về những con tàu xa bờ phải khẩn cứu do “hỏng máy, gãy láp, thủng mạn, thả trôi, thả chìm” cứ thế dội về hậu phương…
Mùa đánh bắt CNĐD chỉ tập trung khoảng 5 tháng trước và sau Tết Nguyên đán, nên dù biển động cũng phải tranh thủ ra khơi, trừ những ngày bão lớn.