Quá nhiều “kỷ lục” gây thót tim
“Hàng không có những kỷ lục không ai muốn giữ”, đó là lời Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại hội nghị tổng kết công tác 2014 của Cục Hàng không sáng 26/12.
Nhìn lại một năm đầy biến động của hàng không thế giới cũng như nước nhà, ngay dịp Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, cả thế giới rung động bởi
sự kiện MH370. Chiếc Boeing 200 của Malaysia Airlines hành trình từ Kuala Lumpur (Maylaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) bất chợt mất tích trước khi vào vùng thông báo bay (FIR) của TP HCM . Việt Nam đã huy động lượng tìm kiếm kỷ lục lớn với phương tiện hiện đại nhất, gồm 11 máy bay, 7 tàu cùng đông đảo lực lượng trên bộ để tìm kiếm 24/24h. Nhưng sau đó, kết luận cuối cùng cho thấy máy bay này đã chuyển hướng trước khi vào FIA của TP HCM. Sự kiện “xông đất” đầu năm này như “điềm gở” cảnh báo trước một năm không mấy tốt lành.
|
Hàng không Việt Nam 2014 có một năm đầy sóng gió. Ảnh minh họa
|
Quả đúng vậy, không lâu sau đó,
hàng không Việt Nam 2014 liên tiếp xảy ra những sự cố “chết người” như máy bay VNA và JPA suýt va chạm tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, máy bay Airbus của VNA suýt chạm máy bay trực thăng quân sự; Máy bay ATR72 cất cánh tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) rơi lốp lúc nào không hay;
Sự cố sập mạng OPS tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất làm mất điện gần 2 giờ khiến cho hàng chục chuyến bay phải lơ lửng trên trời; Hay như sự cố nghiêm trọng dịp cuối năm là máy bay TP HCM đi Vinh trục trặc hệ thống điều áp, phi công lúng túng bấm nhầm nút báo động làm náo loạn sân bay Nội Bài...
Đấy là chưa kể còn rất nhiều những sự cố “ngớ ngẩn” khác như máy bay hạ cánh bằng bụng, la liệt sự cố kỹ thuật khiến hành khách bị chậm, hủy chuyến bay...
Tổng kết 2014 của Cục HKVN đã rất trung thực khi thừa nhận: Tổng số sự cố liên quan đến an toàn hàng không tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013 và 2,5 lần so với năm trước nữa cho thấy sự đột biến đến mức nguy hiểm.
Cả năm “ngóng” đường bay “vàng”
Cả năm vừa rồi, hàng không Việt nóng với đường bay “vàng”. Đến nỗi sự kiện này làm cho Bộ trưởng GTVT nổi cáu: “Không có Vàng hay Bạc gì cả, hãy làm đi để cải thiện bộ mặt cho hàng không”.
Đó là đường bay thẳng nối liền hai đầu Hà Nội, TP HCM qua không phận Lào và Campuchia để tiết kiệm thời gian, tiền của cho ngành hàng không và hành. Được đề xuất từ nhiều năm trước và được chứng minh bằng toán học vào năm 2012, nhưng khi đó, Cục Hàng không Việt Nam đã bác đi vì cho rằng tính toán về đường bay này chưa đủ cơ sở khoa học.
Đến giữa tháng 7/2014, vì nạn chậm, hủy chuyến quá tràn lan, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng. Quan trọng hơn, sau việc Cục hàng không tổ chức bay thử nghiệm với kết quả tiết kiệm được 5 phút, 86km và 190 kg dầu, Bộ trưởng Thăng vẫn quyết định rằng “Một phút cũng bay” và chỉ thị phải thực hiện ngay tháng 10/2014. Mặc dù vậy, lãnh đạo hàng không lại lùi thời gian này vào tháng 5/2015, khiến dư luận không khỏi "mừng hụt" và sốt ruột.
Hàng không 2015 ra sao nếu không đổi mới?
Song, làm việc trong một sân bay “dát vàng” với vốn đầu tư cả tỷ đô, liệu ngành hàng không sẽ làm ra được bao nhiêu tiền có lãi để mỗi năm phải trả 4% lãi suất tiền vay tương đương 40 triệu USD? Nhất là khi con số nợ 59 ngàn tỷ, tương đương 3 tỷ USD của “ ông lớn” VNA và nay thêm gần 1 tỷ USD nữa của nhà ga T2 đã khiến nợ nần dày thêm?
Hiệu quả kinh tế đường bay quyết định số phận các hãng hàng không và các hãng hàng không phải biết tự cứu mình bằng cách tìm đường bay trí tuệ để có lãi.
Chắc chắn rằng, cởi trói để được bay thẳng mang về hiệu quả kinh tế là lối thoát cho hàng không Việt 2015. Nếu kịp thời đổi mới, dũng cảm nhìn lại những trì trệ, tồn đọng trong năm cũ để xốc lại, làm lại thì tin chắc rằng hàng không Việt Nam 2015 sẽ cất cánh, hoặc ít nhất cũng không “thảm” như 2014.
Video chi tiết nhà ga T2 Nội Bài hiện đại nhất Việt Nam (Nguồn video: VTC14):