TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá: Việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiền gửi xuống 7% là rất hợp lý, có thể giải phóng được nguồn vốn ứ đọng trong hệ thống các ngân hàng. Ông Kiêm cho rằng, trong sản xuất kinh doanh, nếu lãi suất càng giảm thì càng có lợi. Cái lợi nhìn thấy được trước hết là cái lợi đối với doanh nghiệp. Lãi suất giảm sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp phấn khởi hơn trong vay vốn, nhờ đó mà nguồn vốn hiện đang ứ đọng tại các ngân hàng sẽ được giải phóng. Thanh khoản đang dồi dào, với việc giảm lãi suất, nguồn vốn sẽ được đẩy ra tạo nên thị trường tốt hơn.
|
Ảnh minh họa |
Cũng phải nói thêm rằng, cùng với việc
giảm lãi suất tiền đồng thì Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất ngoại tệ. Khi lãi suất ngoại tệ giảm xuống, người dân sẽ cảm thấy bị thiệt hại nhiều về thu nhập. Tuy nhiên, điều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước phải làm thế nào để tạo ra môi trường khiến người dân tham gia sản xuất kinh doanh hơn là gửi tiền để dành trong ngân hàng. Lúc đó, ngân hàng có thể huy động vốn được rất nhiều nhưng nguồn vốn cho vay cũng ứ đọng lại rất nhiều.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tới nền kinh tế trong thời gian dài. Bởi lẽ, lạm phát ở nước ta đang cao gấp 2 lần so với một số nước trên thế giới. Vì thế, cần phải có những chính sách tích cực hơn nữa để giảm lạm phát, đồng thời với việc giảm lãi suất để tạo ra khả năng phát triển cho nền kinh tế cao hơn.
Đồng quan điểm với TS Cao Sỹ Kiêm, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận định: "Trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đưa về 7%/năm là mức quá đẹp".
TS Lê Thẩm Dương phân tích: Hiện nay, lãi suất đang phải gánh rất nhiều nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ đó là lãi suất phải đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp sống. Lãi suất cũng góp phần chống lạm phát cho nên nếu mức lãi suất quá thấp thì lạm phát sẽ trội lên và gây khó khăn cho các nhà quản lý kinh tế. Cũng phải thấy rằng, lãi suất cũng giúp các kênh tài chính hài hòa. Ngoài ra, lãi suất còn đảm bảo cho các ngân hàng sống và giải phóng nguồn vốn ứ đọng. Và lãi suất có quan hệ mật thiết với tỷ giá.
Tuy nhiên, mức trần lãi suất 7%/năm chỉ là mức mà Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng trong hệ thống không được vượt quá. Trên thực tế, các ngân hàng có thể áp dụng mức lãi suất dưới 7%.
Việc giảm lãi suất theo Lê Thẩm Dương có hai cái lợi: Cái lợi cho cả ngân hàng và cho cả doanh nghiệp, bởi ngân hàng sẽ giải phóng được nguồn vốn ứ đọng, đồng thời doanh nghiệp thì có cơ hội hơn trong việc vay vốn. Đây là một tín hiệu vui của nền kinh tế vì sẽ thúc đẩy được sự phát triển của hệ thống kinh tế. Như vậy, lãi suất là một trong những công cụ chống lạm phát tốt, giải quyết được nhiều nhiệm vụ như trên đã nói.
"Tuy nhiên, nhiều người dân không hiểu rõ nguồn gốc của lãi suất nên họ cho rằng với mức giảm lãi suất như thế vẫn cao. Thực tế thì mức đó là quá đẹp rồi vì nó phản ánh đúng và thể hiện đúng định hướng kinh tế của Nhà nước", ông Dương nói.
Ngày hôm nay (28/6), 2 thông tư 14, 15 của Ngân hàng Nhà nước Quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD và VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng đã có hiệu lực.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU