Gà “chân voi” đua nhau khoe sắc ở Hưng Yên chào năm mới

Google News

Hơn 50 chủ gà đến từ khắp cả nước đã tề tựu để tham gia hội thi Gà Đông Tảo nào đẹp nhất toàn quốc.

Các thí sinh gà được cân, đánh số báo danh để tiện phân biệt. 
Hội thi năm nay do Hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông Tảo phối hợp với UBND xã Đông Tảo tổ chức. Theo quy định, gà dự thi là gà trưởng thành từ 8 tháng trở lên, gà mái từ 3 kg trở lên, gà trống từ 4 kg trở lên, còn khả năng sinh sản, đúng đặc trưng của gà Đông Tảo. Hình thức thi theo cặp trống mái, thi đơn mái và đơn trống. Con gà đẹp sẽ đánh giá trên tổng thể, từ hình thức đến vóc dáng.
 Cuộc thi với 3 nội dung chính là cặp đôi, thi đơn gà trống và thi đơn gà mái.
Ngày 1.1.2017, tại sân Trường Tiểu học xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), hơn 50 chủ gà với các cặp gà, gà trống đơn, gà mái đơn đến từ khắp cả nước đã tề tựu để tham gia hội thi Gà Đông Tảo nào đẹp nhất toàn quốc.
Gà trống thuần chủng được đánh giá cao bởi chiếc mào không sùi, ít tuổi, chân cân đối, đạt chuẩn độ cao, cân nặng, sinh sản tốt, lông màu mận.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Thuần – Trưởng ban tổ chức Hội thi, năm ngoái, “thí sinh” dự thi chủ yếu đến từ các trại gà ở trong xã và một số cơ sở chăn nuôi ở phía Bắc. Nhưng năm nay, có rất nhiều chủ gà đến từ khắp mọi miền đất nước, thậm chí ở tận Bình Dương, Bình Phước.
Số lượng “thí sinh” gà trống nhiều con đạt tiêu chuẩn của giống gà thuần chủng với các tiêu chí khắt khe. Riêng số gà mái thuần chủng có phần yếu thế hơn. “Tiêu chí chấm điểm gồm mỏ ngắn, tròn, gọn, cân; đầu to gộc, da sần sùi; mào múi, sít, gọn, tích nhỏ, gọn; yếm dày to; đuôi xòe rộng dài; mã lông sáng màu nõn cuối. Về trọng lượng, gà càng nặng càng cao điểm, chân vẩy thịt đỏ, vẩy rồng đều, chân to đại tròn cân đối, ngón chân ngắn, bàn đế dày…” – ông Thuần cho hay.
 Một "ứng viên" nặng ký được nhiều người quan tâm, bàn tán.
Anh Nguyễn Phồn Quân, ở huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã mang theo cặp gà nặng hơn 7,8kg đến dự thi. Anh Quân bắt đầu nuôi gà Đông Tảo từ năm 2011. Trước đây, anh cũng lấy giống ở xã Đông Tảo và đến nay, khi phát triển được đàn gà, anh vẫn tiếp tục giữ liên hệ với các cơ sở gà Đông Tảo. “Tôi mang gà từ xa xôi về đây dự thi để biết xem của mình nuôi có đạt chuẩn so với gà được nuôi ở Đông Tảo hay không. Mang đi thi một phần muốn tranh giải, một phần gặp các anh em nuôi gà để chia sẻ cùng chung niềm đam mê chăm chút, nuôi nấng giống gà này” – anh Quân chia sẻ.
 Nhiều cặp gà có mặt chỉ để người dân và du khách đến tham quan hiểu hơn về nét đẹp và lạ của giống gia cầm đắt tiền này.

Ban giám khảo gồm 10 thành viên đến từ Hiệp hội gà Đông Tảo, là những người có kinh nghiệm cùng 2 chuyên gia khác đến từ viện Nông Nghiệp Việt Nam và Sở khoa học Công nghệ. 
Theo Lê San/Dân Việt

Bình luận(0)