Dự án nghìn tỷ dồn dập lộ diện

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, những dự án nghìn tỷ đã chính thức được phê duyệt và đi vào khởi công, hứa hẹn thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương.

Lào Cai: Dự án cáp treo 4.000 tỷ đồng lên đỉnh Fansipan
Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức lễ khởi công Hệ thống cáp treo dài 7 km với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công tại Sa Pa. Đây là hạng mục chính trong dự án "Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan - Sapa".
Chủ đầu tư của dự án cáp treo là Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan - Sa Pa, thành viên Tập đoàn Sun Group (đơn vị đã triển khai dự án cáp treo Bà Nà, TP Đà Nẵng).
Sắp có hệ thống cáp treo 3 dây ở Lào Cai. Ảnh: Internet. 
Hệ thống cáp treo Fansipan có độ dài toàn tuyến khoảng 7 km, điểm đầu tại tổ 11B, đường Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Sa Pa, vượt thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch và lên đỉnh Fansipan. Điểm nhấn của dự án này là hệ thống cáp treo 3 dây, lần đầu tiên có tại châu Á, và cũng là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014 và đưa vào sử dụng năm 2015. Khi đó, hành trình chinh phục đỉnh Fansipan sẽ chỉ còn 15 phút, với vận tốc ca bin đạt 8m/s và công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách trong một giờ.
Hà Nội: 1,5 km đường "ngốn" gần 1.000 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt đầu tư tuyến đường nối đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng. Dự án được đầu tư với mục tiêu kết nối liên thông giữa đường Nguyễn Văn Cừ với tuyến đường 40 m đoạn Long Biên - Thạch Bàn, tạo sự liên thông giữa cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án cần khoảng 62.000 m2 đất để xây dựng, trong đó chiều dài toàn tuyến hơn 1,5 km, mặt cắt ngang 40 m, có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Cừ hiện tại, điểm cuối nối với tuyến đường từ Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thạch Bàn.
Khu vực quy hoạch xây tuyến đường nối từ Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng. Ảnh: VnEconomy.
UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến hơn 985 tỷ đồng, trong đó hơn 481 tỷ đồng là chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, còn lại là chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án... Dự án này cũng có chi phí dự phòng lên tới hơn 221 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội đang tích cực lập phương án bồi thường, các thủ tục về đất đai, tiến hành lựa chọn nhà thầu... để có thể triển khai ngay trong năm 2014 và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Lâm Đồng: Dự án trường đua ngựa 1.000 tỷ
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng của dự án Trường đua ngựa Thiên Mã-Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn của Công ty cổ phần đua ngựa Thiên Mã-Madagui, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Diện tích đất quy hoạch là 63,63 ha tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai.
 Ảnh minh họa: Internet. 
Theo chủ đầu tư, trong năm nay với vốn đầu tư xấp xỉ 517 tỷ đồng, dự án sẽ tập trung vào xây cơ sở hạ tầng, nhà nuôi ngựa, sân đua ngựa, sân tập ngựa, sân vườn, cây xanh và nhập ngựa đua thuần chủng.
Năm 2014, số vốn 485 tỷ đồng còn lại sẽ được đầu tư tiếp tục cho cơ sở hạ tầng, sân polo, sân ngựa biểu diễn, sân tập, sân quần ngựa, nhà cân nài, chuồng ngựa bệnh và một số hạng mục phụ trợ.
Được biết, dự án này trước đây là dự án Trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa đua Madagui đã triển khai từ năm 2006 cũng của chủ đầu tư trên, với chức năng chính là cung cấp ngựa đua cho trường đua Phú Thọ (TP.HCM) và ngựa đua thể thao, nay được điều chỉnh và nâng mức đầu tư cũng như quy mô dự án.
Đồng Nai: Bảo tàng 1.400 tỷ và dự án bờ kè 3.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt dự án xây dựng Bảo tàng Khoa học tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ trên diện tích 25 ha. Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày triển lãm, hội trường, phòng thí nghiệm, khu cắm trại, khuôn viên dành cho các cuộc thi khoa học...
 Một trong các mô hình Bảo tàng Khoa học Đồng Nai đang chờ xét chọn để thực hiện. Ảnh: Người lao động. 
Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng), được xây dựng với những công nghệ tiên tiến, mô phỏng theo các bảo tàng ở Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Công trình dự kiến khởi công vào năm 2015 và khánh thành vào năm 2018.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai về tiến độ thực hiện công trình bờ kè 3.000 tỷ đồng.
 Khu vực ven sông Đồng Nai sẽ được triển khai cải tạo cảnh quan trong thời gian tới. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, hiện đơn vị đang thực hiện các công việc như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xin cấp phép xây dựng bờ kè; phương án di dời trạm bơm nước…và dự kiến dẽ hoàn tất vào cuối năm 2013.
Được biết, dự án này có diện tích 15 ha, bao gồm cả khu vực cải tạo và phát triển mới thuộc phường Quyết Thắng (TP Biên Hòa) được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2013 và hoàn tất vào năm 2022 với tổng số vốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư sẽ xây dựng nơi đây thành một khu đô thị hiện đại, đồng bộ, có khu dân dư, công viên và với hệ thống cao ốc, khách sạn theo tiêu chuẩn đô thị loại 1.
Dự án QL 1A và QL 14: Bổ sung thêm 61.000 tỷ đồng
Chiều 23/10, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 (không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015).
Ảnh minh họa: Internet. 
Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016, Chính phủ dự kiến sẽ bố trí 61.680 tỷ đồng đầu tư dự án QL 1A và QL 14 (đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên). Đồng thời, bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang đã có trong danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và bổ sung một dự án duy nhất là luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng là 73.320 tỷ đồng; bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí 15.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.
Hải Sơn (tổng hợp)

Bình luận(0)