Dự án đình đám thay chủ đầu tư như thay áo

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều dự án được đầu tư bởi những ông chủ mới nhưng sự thay đổi này có thúc đẩy tiến độ dự án và đảm bảo quyền lợi khách hàng?

"Thay áo" loạt dự án
Nhiều dự án trong thời gian qua, do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện nên chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho các ông chủ khác. Theo đó, nhiều hoạt động mua bán sáp nhập, sang tên đổi chủ đã diễn ra.
Dự án Hà Nội Time Tower vẫn "đắp chiếu" dù được cổ đông lớn bơm vốn. Ảnh: Hải Sơn.
Một dự án được chú ý trong thời gian qua là Hà Nội Time Tower tại Khu đô thị mới Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp 2 tòa tháp 41 tầng, cung cấp khoảng 580 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho 2.300 người. Khởi công rầm rộ từ tháng 10/2010 nhưng sau đó dự án phải chịu cảnh "đắp chiếu" một thời gian dài, khiến khách hàng vô cùng bức xúc và lo lắng. Tưởng chừng dự án đã "chết" nhưng bất ngờ đến vào cuối năm 2012 khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR, tiến độ dự án được đẩy nhanh, phần đế và phần hầm công trình được hoàn thiện trong thời gian ngắn. Chủ đầu tư cũng quyết định giảm giá bán cho khách hàng, khiến tranh chấp giữa 2 bên lắng xuống.
Tương lai đã mở ra với Hà Nội Time Tower nhưng lại đột ngột khép lại khi công trình hoàn thiện đến tầng 5. Lúc này, các cổ đông lớn trong đó có OGC cũng thoái vốn khỏi PVR. Dự án lại một lần nữa "đắp chiếu", chờ những động thái mới từ chủ đầu tư.
 Phối cảnh dự án Hà Nội WestGate. 
Giống Hà Nội Time Tower, chủ đầu tư dự án Hà Nội WestGate hay FLC Garden City cũng có những động thái tương tự. Theo đó, Công ty Keppel Land (Singapore) đã công bố kế hoạch liên doanh với công ty con của Tập đoàn Gami Group (Việt Nam) là Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp để triển khai Dự án Hà Nội WestGate (huyện Quốc Oai, dọc Đại lộ Thăng Long), với quy mô vốn đầu tư 100 triệu USD, rộng 52,5 ha. Trong đó, Keppel Land dự kiến nắm giữ 60% cổ phần. Nếu việc liên doanh thành công, đây sẽ là dự án đô thị đầu tiên của Keppel Land tại Hà Nội.
 Phối cảnh dự án Khu đô thị Alaska Garden City.
Trước đó, Tập đoàn FLC cũng mua lại 99% vốn cổ phần của Công ty Alaska Land (tương đương 300 tỷ đồng), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Alaska Garden City (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi mua lại Khu đô thị Alaska Garden City, FLC đổi tên dự án này thành FLC Garden City. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 7,895 ha, với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng trong năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
 Phối cảnh dự án Khu đô thị Park City.
Một dự án đình đám khác cũng phải sang nhượng cho chủ đầu tư mới vì không đủ năng lực thực hiện là dự án Khu đô thị Park City (rộng gần 80 ha, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng) tại quận Hà Đông, Hà Nội. Dự án khởi công từ tháng 3/2010 do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với khoảng 1.233 biệt thự song lập, nhà liền kề và căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, Vinaconex Hoàng Thành sau đó đã không thể hoàn thành Dự án theo đúng cam kết và phải bán lại toàn bộ cổ phần (của Vinaconex) cho Công ty Perdana (thuộc Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia).
Tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn Peninsula Pacific được thay thế Tập đoàn Genting để hợp tác với Tập đoàn Vinacapital đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Hội An. Được biết, Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An liên doanh giữa hai tập đoàn Genting và Vinacapital tại tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư tại Thông báo số 36/TB-TTg ngày 6/2/2009 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, đối tác của Tập đoàn Vinacapital là Tập đoàn Genting (Malaysia) rút khỏi liên doanh vào tháng 9/2012 nhưng Vinacapital vẫn quyết tâm tiếp tục thực hiện dự án và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án này có diện tích 1.500 ha, trong đó khu kinh doanh trò chơi có thưởng có quy mô 144 bàn chia bài và 2.000 máy chơi có thưởng.
Khách hàng được lợi gì?
Nhận định về việc chuyển đổi chủ đầu tư các dự án trong thời gian qua, ông Đào Ngọc Thanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) cho rằng, đây là một việc làm tốt khi nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Tuy nhiên, với khách hàng thì họ sẽ mất thêm thời gian chờ dự án hoàn thành.
Ngoài ra, theo các chuyên gia bất động sản, khi chuyển nhượng dự án bất động sản, quyền lợi của khách hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi vì sau khi có chủ đầu tư mới thì giá trị của dự án cũng được định đoạt lại. Khi dự án chuyển giao chủ đầu tư mới sẽ thay đổi các cam kết ban đầu dẫn đến bất lợi cho khách hàng.
Chia sẻ với báo giới, luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu dự án được chuyển nhượng dưới hình thức bán cổ phần chi phối, thì có thể xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư mới với các khách hàng khi chủ mới này có những thay đổi nhất định trong chiến lược thực hiện dự án. Những vụ kiện cáo lùm xùm cũng có thể xảy ra.
Theo ông Thắng, quá trình chuyển đổi chủ đầu tư dự án diễn ra khá phức tạp, mất nhiều thời gian và trong suốt thời gian đó, dự án hầu như "dậm chân tại chỗ", ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ dự án.
Minh Phương (tổng hợp)

Bình luận(0)