Các đại gia Thái Lan đang dần "thâu tóm" thị trường bán lẻ Việt Nam khi bỏ hàng tỷ USD mua các hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam như Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam…
Central Group
Central Group - một trong những đại gia Thái Lan nổi tiếng đã hoàn tất thủ tục thâu tóm hệ thống bán lẻ BigC Việt Nam - được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan, hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng.
Nhà sáng lập Tiang Chirathivat đã dần phát triển Central Group thành một đế chế khổng lồ. Ngoài là 1 trong 5 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Thái Lan, Central Group cũng được biết đến là một trong những tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất tại đất nước Chùa tháp.
Các lĩnh vực kinh doanh của Central Group bao gồm: Bất động sản và trung tâm thương mại; cửa hàng bán lẻ; điều hành hơn 40 khách sạn và khu nghỉ dưỡng; kinh doanh đồ ăn nhanh tại Thái Lan; Điều hành các cửa hàng tiện lợi và hàng tiêu dùng gồm; Điều hành các cửa hàng điện máy và đồ gia dụng.
Ngoài việc mở các thương hiệu Robinson ở Việt Nam, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim thông qua Power Buy, hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.
Trên thực tế, ngoài thương vụ với Nguyễn Kim, Central Group VN cũng đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại Robins ở TP.HCM và Hà Nội.
Theo thống kê của Forbes vào tháng 1/2016, gia đình Chirathivat sở hữu khối tài sản khoảng 11,7 tỷ USD - là gia tộc giàu có thứ 14 tại châu Á. So với năm 2013, khối tài sản này đã tăng khoảng 27% nhờ vào những thành công trong ngành bán lẻ.
Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev do ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ ba Thái Lan với tổng tài sản 11,3 tỷ USD theo xếp hạng của Forbes 2014 làm chủ.
|
Chân dung đại gia Thái thâu tóm hệ thống Metro Việt Nam.
|
Đại gia Thái này bắt đầu dùng chiến lược nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam, rồi đến hãng giấy Cellox, Công ty sản xuất đậu phụ Ichiban và hợp tác với hệ thống bán lẻ Family Mart.
Không dừng lại ở đó, giữa 2014, công ty này khiến dư luận bất ngờ khi công bố chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được đánh giá là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.
SCG: Gã khổng lồ Thái Lan
Thông tin trên báo Zing, tập đoàn xi măng Siam (SCG) đã mua lại Batico khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Thực tế, SCG là cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm lớn tại Việt Nam.
|
Ông Kan Trakulhoon – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SCG. Ảnh: Zing.
|
Được thành lập vào năm 1913, Tập đoàn SCG có nhiệm vụ ban đầu nhằm hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Lan. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, SCG trở thành một trong những tập đoàn lớn trong khối ASEAN. Trong năm 2011, SGC được xếp hạng là công ty lớn thứ 2 tại Thái Lan và thứ 620 trên toàn thế giới, bởi Forbes.
SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt 23 năm, tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group.
Theo đó, cuối tháng 12/2012, SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần CTCP Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ). Với 6 nhà máy sản xuất gạch ông suất 75 triệu m2 mỗi năm, Prime Group là nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 5 thế giới, và là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam (chiếm 20% thị phần). Prime Group có mạng lưới phân phối mạnh, cơ cấu kinh doanh và chiến lược hoạt động vững chắc.
Cuối tháng 7/2015, thông qua công ty con là Công ty nhựa TC Flexible Packaging (TCFP), SCG đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).