Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin , bà Vũ Phương Thảo, quản lý truyền thông công ty Keangnam Vina, công ty quản lý tài sản và là chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark khẳng định: “Việc Keangnam bị bán là điều đã được tính toán từ lâu và ở Việt Nam, chẳng có bất kỳ sự thay đổi hay ảnh hưởng nào từ việc buôn bán, làm ăn này”.
Bà Thảo cho biết thêm: “Sau 7 năm hoạt động, việc vận hành tòa tháp Keangnam Hanoi Landmark Tower đã không còn phụ thuộc vào tập đoàn Keangnam Enterprises của Hàn Quốc. Ở Việt Nam, chúng tôi có tư cách pháp nhân độc lập, tự quản lý về mọi mặt và tự chủ về kinh tế. Việc vận hành tòa nhà sẽ không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của tập đoàn tại Hàn Quốc. Đồng thời, mọi quyền lợi, tài sản của nhân viên cũng như khách hàng đang hoạt động trong tòa nhà cũng được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
|
Việc tòa nhà Keangnam bị bán là điều đã được biết trước? |
Cũng theo bà Thảo, câu chuyện bán hay không bán tòa nhà này thực ra đã được bàn đến từ cách đây 1-2 năm và việc bán tòa nhà đã được dự đoán trước. Mới đây, sau khi có những sự cố không hay liên quan đến chủ tịch tập đoàn Keangnam Enterprises thì câu chuyện này mới được đem ra bàn luận. Điều đó khẳng định, dù không có sự cố đáng tiếc kia xảy ra, thì rất có thể, Keangnam vẫn sẽ bị bán đi như bình thường. Vì thế, thông tin bán tòa nhà này để trả nợ là không chính xác. Bài toán kinh tế từ câu chuyện bán tòa nhà này đã được bàn tới từ rất lâu, và hiện nay, đơn thuần nó chỉ là sự tiếp tục bàn bạc các kế hoạch chiến lược của bài toán kinh tế đó. Về cơ bản, sự thay đổi này đơn giản là sự thay thế từ chủ nọ sang chủ kia. "Cũng như ở Việt Nam, kể cả công ty nhà nước, sau quá trình vận hành, một lúc nào đó cũng phải có sự thay đổi, đó là điều hiển nhiên và chúng ta phải biết chấp nhận, thích nghi với những sự thay đổi đó", bà Thảo phân trần.
“Mọi người đang bám vào sự cố bên Hàn Quốc để suy diễn ra câu chuyện ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đây là hai việc hoàn toàn tách biệt. Và sự thay đổi này không gây bất kỳ sự ảnh hưởng liên đới nào về quyền lợi cho khách hàng. Hơn thế, mọi việc mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thương thuyết trao đổi, có thể sẽ xảy ra trong năm nay, năm sau, hoặc cũng có thể sẽ không xảy ra. Đến nay, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về việc tòa nhà này có được bán hay không và sẽ bán cho ai”, bà Thảo khẳng định.
Ngoài ra, bà Thảo cũng cho rằng, khi câu chuyện này ngã ngũ, tòa nhà được chính xác bán lại cho đơn vị nào, thì tất nhiên sẽ có những sự thay đổi nhân sự nhất định. Nhưng nếu thay đổi, người Hàn Quốc phải là người lo lắng trước tiên. Bởi thực tế, bộ phận đầu mối, trưởng mỗi bộ phận trong công ty đều do người Hàn Quốc đứng đầu. Nhưng đến nay, người Hàn Quốc họ vẫn rất bình thản thì không có lý do gì để người Việt chúng ta lo sợ. Hiện nay, nhân viên trong công ty đều rất lạc quan và tin tưởng rằng, dù Keangnam có bị bán cho ai, cũng sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nhân sự nào.
“Đó chỉ là câu chuyện của tương lai, chẳng có gì phải quá lo lắng, quan trọng nhất là hiện tại mọi việc vẫn đang rất bình thường và mọi người vẫn đang làm rất tốt công việc của mình”, bà Thảo nói.
Theo khảo sát của PV báo Người Đưa Tin, trước thông tin tòa tháp Keangnam sẽ bị bán, mọi nhân viên trong tòa nhà cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ của tòa nhà đều rất bình thản, thậm chí có những người còn không hề biết đến và không hề quan tâm đến thông tin này. Đa phần, họ đều cho rằng, ai quản lý không quan trọng, quan trọng là chất lượng dịch vụ như thế nào.
Anh Hùng, đại diện một cơ sở kinh doanh quán cà phê tại đây chia sẻ: “Tôi cũng có nghe qua thông tin tòa nhà sẽ bị bán nhưng tôi chẳng thấy có gì cần lo lắng hay hoang mang. Bởi bán cho ai thì tòa nhà cũng vẫn ở Việt Nam, cũng sẽ do người Việt mình vận hành, quản lý. Hơn nữa, “cái mới” chắc chắn sẽ phải tốt hơn “cái cũ”. Biết đâu, sự đổi chủ lần này sẽ làm cho mọi việc khởi sắc hơn. Như thế là điều đáng mừng, có gì mà phải lo”.