Chuyện làm giàu phiêu lưu của những “đại gia” quế ngọc

Google News

(Kiến Thức) - "Tôi từng có nhiều năm vào rừng tìm quế ngọc, loại quế này tìm rất khó, chúng tôi thường xem như có thần, có thánh ngự trên cây...".

Mua đài cát sét, xe đạp nhờ quế
Về Thường Xuân đợt này, may mắn cho chúng tôi, khi gặp được "vua" trồng quế Cầm Bá Đệ  (thôn Lẹ Tà, xã Xuân Lẹ). Phải mất gần nửa ngày trời chúng tôi mới hỏi thăm tìm được về nhà cụ Đệ. Vợ chồng cụ giờ ở cùng người cháu, trong mái nhà cấp 4 đơn sơ. Phía bên hiên nhà cụ vẫn còn những tấm gỗ quế xẻ ra chờ sẵn để làm nhà.
Cụ Đệ năm nay đã gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, mái tóc cụ bạc phơ, da dẻ hồng hào nhìn rất đẹp lão. Đặc biệt, cụ vẫn còn nhớ rất rõ những năm tháng chiến đấu với giặc và lao động sản xuất. "Trước đây tôi từng kinh qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tôi làm nhiệm vụ tình báo, thăm dò sự hoạt động của địch để báo cáo với chỉ huy đề ra kế hoạch tác chiến. Tôi tham gia nhiều trận đánh lớn, lập được nhiều chiến công hiển hách", cụ Đệ kể.
Người anh hùng đó sau bao nhiêu năm chinh chiến ở chiến trường, trở về địa phương cụ lại bắt tay vào xây dựng kinh tế. Khi tỉnh Thanh Hóa có chủ trương đẩy mạnh trồng quế để nấu tinh dầu thì cụ Đệ là một trong những người đầu tiên lên rừng tìm quế rừng, về nhà thuần hóa trồng, nhân rộng mô hình này cho dân bản.
Ở đất Thường Xuân cụ Đệ được mệnh danh là "vua" trồng quế. Sau đợt nhập quế cho Dược liệu tỉnh năm 1976, trong vườn quế nhà cụ vẫn còn 700 cây. Cũng vào năm đó cụ trồng thêm 2 nghìn cây nữa. Nhờ vào việc trồng quế mà gia đình cụ Đệ có thu nhập thuộc vào hàng cao nhất xứ Mường Trịnh Vạn. Gia đình cụ có tiền mua đài cát sét, mua chiếc xe đạp thống nhất nhập khẩu từ nước ngoài.
Gần 90 tuổi, nhưng "vua" trồng quế Cầm Bá Đệ rất khoẻ. 
Cụ Đệ kể: Khi hợp tác xã Lẹ Ngù nhận hợp đồng chưng cất tinh dầu quế cho Ngoại thương, người ta đã cử về đây một số kỹ sư để hướng dẫn và giúp đỡ việc chưng cất tinh dầu. Cụ Đệ được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã, có nhiệm vụ quản lý mọi công việc nấu quế lấy tinh dầu. Cụ hiểu rõ về chất lượng từng loại cây quế, cũng như chưng cất một cách khoa học mà sản lượng tinh dầu đạt cao. Đến nỗi mỗi mẻ tinh dầu được ra lò các kỹ sư cũng phải há hốc miệng, khen cụ  không ngớt lời về khả năng tinh chế.
Không những thế, cụ Đệ còn nắm rõ tỷ lệ tinh dầu trong lá quế ở từng chòm, từng triền núi khác nhau. Theo cụ thời đó một tấn lá quế ở Lẹ Ngù có thể cho từ 1,2 - 1,5 lít tinh dầu quế, trong khi đó ở các hợp tác xã có nơi chỉ đạt 800cc/tấn lá. Và cụ có thể rút ra từ kinh nghiệm trồng quế rằng: Trồng quế trên đất sét pha cát vỏ cây sẽ mỏng, chắc nhiều tinh dầu hơn so với đất vườn.
Nói về cây quế ngọc - loài quế quý hơn vàng cụ Đệ cho hay: "Quế ngọc hiếm lắm, đời bố tôi cũng chỉ tìm được một cây, sau đó quân Pháp lấy mang đi đâu không biết, sau này họ đồn đại rằng cây quế đó, bọn Pháp đã dùng trực thăng mang bán cho người Nhật để nghiên cứu, giá trị của nó lên tới hàng chục cân vàng. Theo kinh nghiệm của người dân chúng tôi sử dụng, loại quế ngọc này có thể chữa rất nhiều bệnh như: đau mắt, đau bụng, cảm thương hàn".
Chia tay cụ già đệ "vua" trồng quế ở Lẹ Tà, chúng tôi  trở về thôn Bọng Nàng, một trong cái nôi của cây quế ở Thường Xuân dưới cái nắng như thiêu như đốt. Ông Cầm Bá Phúc, Bí thư Chi bộ thôn Bọng Nàng cho biết: Trước đây khi tỉnh Thanh Hoá có chủ trương trồng quế để chưng cất tinh dầu, họ thành lập cả nông trường trồng cây quế. Thế nên, nhà nhà, người người đều trồng quế, kinh doanh quế. Nhưng chỉ thời gian hoạt động sản xuất bị ứ đọng, tinh dầu không bán được khiến nhiều gia đình quay lưng với quế. Trước đây, trong thôn có hàng trăm hộ trồng quế giờ chỉ còn vài ba hộ.
Cụ Long thà chết chứ không chịu để cây quế tiệt nọc. 
Kỳ tài tìm quế ngọc
Theo sự chỉ dẫn của ông Phúc chúng tôi tìm đến cụ Cầm Bá Long (đội 2, thôn Bọng Nàng) một trong những người còn gắn bó với cây quế. Cụ Long năm nay đã bước qua tuổi 80, nhưng cụ còn rất khoẻ. Từ hàng chục năm nay cụ đã vào đồi làm chiếc nhà sàn để ở thuận tiện cho việc trồng và chăm sóc quế. Con cháu khuyên ngăn, bắt cụ phá đồi quế để về thôn sống, nhưng cụ cương quyết không nghe theo.
"Thế hệ trẻ giờ chỉ nghĩ đến tiền, bọn chúng có biết gì về giá trị của cây quế xưa đâu. Nó là cây trồng đã ăn vào máu thịt của người dân chúng tôi nên tôi phải giữ. Không chỉ con cháu tôi mà người dân trong vùng cũng vậy, khi thấy giá quế xuống thấp họ đã triệt hạ, bỏ đi để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng tôi thà chết chứ không chịu để cây này tiệt nọc", cụ Long tâm sự.
Theo cụ Long, nếu tính về giá trị kinh tế của cây quế bây giờ rất thấp, trong khi đó thời gian chăm sóc lâu dài. 3ha quế của cụ Long trồng 10 năm nay, thu hoạch được hơn một tấn quế, bán đi chỉ được hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng cây keo thu hoạch phải gấp đôi. Người dân nơi đây cũng xem cụ Long là bậc kỳ tài trong việc tìm quế ngọc. Bởi trước đây cụ đã tìm được nhiều loại quế này.
Cây keo giờ là cây trồng chủ yếu trên các ngọn đồi nơi đây. 
"Tôi từng có nhiều năm vào rừng đi tìm quế ngọc, loại quế này tìm rất khó, chúng tôi thường gọi loại quế này như có thần, có thánh ngự trên cây. Có lần bạn tôi về báo tìm được một cây quế ngọc, nhưng khi anh ta dẫn chúng tôi đến tìm đi tìm lại nhưng vẫn không thấy quế đâu. Mọi người nói loại quế này như có ma ngự trên cây", cụ Long kể.
Theo cụ Long, quế ngọc rất khó tìm, bởi nó nằm sâu thẳm trong các cánh rừng già, thường bị các cây khác che khuất. Lá quế ngọc thường nhỏ, thân và lá xanh hơn quế thường. Trước đây cụ Long đã tìm được cây quế ngọc, sau nhiều ngày săn tìm. Cây quế ngọc đó khi hạ xuống cụ đã bóc được hơn tạ quế. Khi biết tin cụ tìm được loại quế quý các thương lái khắp nơi tìm đến mua, cụ đã bán cây quế đó cho một thương lái trong tỉnh với giá 2 cây vàng.
Cụ Long bảo: Những năm trước đây khi người ta xôn xao về giá trị của cây quế ngọc thì dân tứ xứ đổ về các cánh rừng của Xuân Lẹ để săn tìm. Họ săn tìm suốt ngày đêm, ăn ở trong rừng để lùng sục. Họ đã lấy đi nhiều cây quế ngọc để mang đi tiêu thụ nơi khác. Chính vì thế, giờ đây khắp vùng có bói cũng không còn quế ngọc, giờ đi tìm chẳng khác gì mò kim đáy bể...
Tổng diện tích trồng quế của xã hiện nay của xã chỉ còn 10ha, con số này rất ít so với trước đây. Bởi người dân thấy các cây trồng khác mang lại giá trị cao hơn. Hiện tại, giá trị của cây quế cũng đang được nâng cao, vì vậy sắp tới xã sẽ khuyến khích người dân trồng quế trở lại.
Ông Hoàng Trọng Lưu (Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ)
Đức Lợi

Bình luận(0)