Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải, sân bay Long Thành sẽ được khởi công trong năm 2019, tới năm 2022 hoàn thành và đầu năm 2023 đưa vào khai thác.
|
Phối cảnh Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. |
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 6/7, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu báo cáo khả thi, khi có kế hoạch cụ thể, ACV sẽ chọn được nhà đầu tư trong vòng 6-8 tháng, tư vấn từ 15-17 tháng của dự án này.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng cho ACV làm chủ đầu tư. Tại chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề xuất Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp về dự án này. Được biết, phía Nhật Bản hết sức quan tâm đến sân bay Long Thành và đường sắt tốc độ cao.
Về công tác đầu tư, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung đẩy mạnh thi công vượt tiến độ 59 công trình dự án trong đó, có nhiều dự án lớn như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Cầu Mỹ Lợi, đưa vào khai thác 19/40 dự án mở rộng Quốc lộ 1, hoàn thành vượt tiến độ và thông xe toàn tuyến đưa vào khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ Kon Tum đến Bình Phước với tổng chiều dài 663km.
“Tất cả các dự án này khi thi công phải đảm bảo tiến độ gắn với chất lượng. Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất các khiếm khuyết công trình, khắc phục triệt để hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không chỉ trong mùa nóng năm nay mà cả mùa mưa sang năm. Bộ đang rất lo lắng vấn đề này,” người đứng đầu ngành giao thông cho hay.
Ngoài ra, Bộ đã hoàn tất công tác chuẩn bị, triển khai thi công 31 công trình, dự án trong thời gian từ nay đến cuối năm 2015.
Cụ thể, 31 dự án gồm: Tiểu dự án xây dựng nút giao Trung Hoà hoàn chỉnh-dự án vành đai 3 giai đoạn 2; dự án xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng-Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định); xây dựng sân bay Phan Thiết (Bình Thuận); Nhà ga hành khách-Cảng Hàng không Cát Bi (Hải Phòng); dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh); hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS) luồng Hải Phòng; dự án mở rộng Quốc lộ 1 cửa ngõ phía Bắc thị xã Bạc Liêu, tuyến tránh Sóc Trăng, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; cao tốc Bến Lức-Long Thành; mở rộng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (giai đoạn 1); bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân (Bình Thuận).
Tổng mức đầu tư cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.
Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 02, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.