Video thương lái Trung Quốc thu mua giun biển. Nguồn: VTV:
Từ nhiều ngày qua, người dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kéo nhau vào rừng săn lùng cây lông cu ly để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Trên tuyến đường NT18, nối từ Quốc lộ 14 vào khu vực cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), cây lông cu ly được chất thành đống, trải phơi khô kéo dài hàng trăm mét.
|
Cây lông cu ly được chất đống tại đường NT18 trước khi thái lát phơi khô.
|
5 kg dược liệu = ổ bánh mì
Theo một thương lái tên Hoàng, trung bình mỗi ngày ông mua được khoảng 10 tấn lông cu ly. Sau khi phơi khô, thái lát, ông Hoàng cho xe chở qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để bán lại cho thương lái Trung Quốc. “Giá mua là 2.000 đồng/kg. Tính ra, 5 kg chỉ bằng… một ổ bánh mì. Sau khi thái lát, phơi khô, tôi cho xe đưa lên cửa khẩu phía Bắc bán cho thương lái Trung Quốc với giá 14.000 đồng/kg” - ông Hoàng nói. Chị Lê Thị Tâm, một người được thương lái thuê phơi cây lông cu ly, cho biết: “Bà con ở đây chỉ biết cây lông cu ly là loại dược liệu để cầm máu thôi, chứ không biết họ mua để làm gì. Thấy dễ kiếm tiền nên nhiều người vào rừng chặt về bán”.
Ngoài cây lông cu ly, nhiều cây thuốc khác cũng bị người dân tận diệt để bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Tại huyện Kon Rẫy và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum), người dân vào rừng săn lùng cây huyết đằng (cây máu chó). Sau khi thu gom với giá 3.000 đồng/kg, các đầu nậu bán lại cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp 3 lần.
Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), thương lái lùng mua đinh lăng rừng (chữa đau lưng, mỏi gối, tê thấp), giá mua khô khoảng 800.000 đồng/kg. Riêng tại địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, người dân vào rừng tìm chặt một loài cây dây leo, thường gọi là cây “rươi”, để bán cho thương lái với giá 3.500 đồng/kg.
Tự do tận diệt!
Dù dược liệu được mua với giá rất thấp nhưng do không có công ăn việc làm nên người dân đổ xô vào rừng khai thác cây thuốc. Đáng lưu tâm là vì dễ dàng kiếm tiền nên thời gian qua, nhiều học sinh ở các tỉnh Tây Nguyên bỏ học để vào rừng chặt phá các loại dược liệu. Em Ksor Tuyn (học lớp 9; ngụ xã Ia Rmọk, huyện Krông Pa) bỏ học từ nhiều ngày nay để vào rừng chặt cây “rươi” về bán. Mỗi ngày em “thu hoạch” khoảng 60 kg, bán được 200.000 đồng. “Đó là số tiền lớn với gia đình em. Số tiền kiếm được, em đưa cho mẹ mua gạo, chỉ lấy một ít mua bánh kẹo” - em Tuyn bộc bạch.
Vấn đề là trong khi các loài dược liệu đang bị tận diệt, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng chưa ngó ngàng tới. Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmọk, cho rằng việc người dân vào rừng chặt cây dược liệu về bán, chính quyền vẫn chưa nắm được. Còn theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei, cây máu chó được người dân khai thác trên địa bàn không thuộc danh mục cấm. Những hộ dân nhận khoán rừng có thể khai thác để kiếm thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, thừa nhận việc người dân vào rừng khai thác cây dược liệu là rất khó kiểm soát. “Ngành kiểm lâm không quản lý con người. Trong khi đó, việc khai thác cây dược liệu phần lớn do người dân ở địa phương khác đến khai thác, chặt phá” - bà Hương phân trần.
Nhiều loài thuốc quý
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Gia Lai, cho biết các lâm sản phụ mà người dân khai thác đều là những loài dược liệu, trong đó có một số dược liệu quý. Ví dụ như cây máu chó (hay huyết đằng, huyết rồng...) trị đau ruột, đau bụng, bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp, đau nhức; cây lông cu ly (còn gọi là cẩu tích) có tác dụng bổ dương, bổ thận, chữa xương cốt, thoái hóa cột sống, đau lưng...