Giá USD và vàng biến động 30 lần/ngày, chứng khoán đỏ lửa, doanh nghiệp (DN) Việt căng mình lo đối phó hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào.
Đó là những thông tin nổi bật trên thị trường Việt Nam ngày hôm qua 13/8, sau khi Trung Quốc lần thứ ba liên tiếp phá giá mạnh đồng nhân dân tệ với mức giảm tổng cộng khoảng 4,6%.
Ùn ùn kéo nhau mua vàng
Phản ứng trước việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, giới đầu tư tìm nơi “trú ẩn” là vàng. Điều này đẩy giá vàng tăng mạnh.
Mở cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng SJC liên tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng. Chỉ trong phiên giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC đã tăng gần 1,2 triệu đồng/lượng.
Sang phiên buổi chiều, vàng SJC tiếp tục nhảy múa trước khi ổn định ở ngưỡng bán ra 34,8 triệu đồng/lượng và mua vào 34,1 triệu đồng/lượng. Biên độ giữa mua vào và bán ra vênh nhau khoảng 700.000 đồng/lượng.
Như vậy, chỉ tính từ đầu tuần đến nay giá vàng trong nước đã tăng gần 2 triệu đồng/lượng, từ dưới mức 33 triệu đồng/lượng tăng lên sát ngưỡng 35 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại trụ sở chính SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 ngay từ đầu buổi sáng khá đông người đã tới để mua vàng. Khảo sát tại nhiều khu phố vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), chợ Bến Thành cũng cho thấy lượng người đến giao dịch đông hơn mọi ngày.
|
Vàng SJC tiếp tục nhảy múa trên dưới 30 lần. |
Theo các chuyên gia, vàng trong nước tăng giá do nhiều yếu tố như giá vàng thế giới tăng, điều chỉnh tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ...
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết: “Tính chung giá vàng thế giới tăng khoảng 1,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nội tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân một phần là do nguồn cung vàng miếng trở nên khan hiếm và nhiều người đã quay trở lại với vàng”.
Một ngày kiếm 10 tỷ đồng
Trước cơn sóng lớn trên thị trường vàng, theo ông Hải, từ đầu tuần đến nay đã thấy xuất hiện lực mua vàng đón sóng khá lớn từ các DN vàng. Bên cạnh đó có nhiều người đang đẩy mạnh việc mua vàng và tích trữ USD với hy vọng đón sóng từ tỉ giá.
Còn ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh SJC, cho hay hai ngày qua có nhiều người mua vài chục đến cả trăm lượng, khác hẳn với trước đây chỉ mua bán với số lượng lẻ. “Lượng khách hàng chủ yếu là mua vào. Tại SJC, giao dịch trong ngày hôm qua tăng lên 20%-30% so với những ngày trước” - ông Tường thông tin.
Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM tiết lộ một nhà đầu tư tài chính đã đón sóng giá vàng và giá tiền tệ nên chỉ trong ngày 12/8 đã lời 10 tỉ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm hoi của những tay đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Còn với người dân bình thường thì chưa có hiện tượng rút tiền đồng từ ngân hàng để mua vàng hay chơi chứng khoán trước thông tin đồng nhân dân tệ mất giá.
“Hay nói đúng hơn, có hiện tượng rút tiền nhưng không đáng kể và không phải là xu hướng” - vị lãnh đạo ngân hàng này nói.
Trong diễn biến liên quan, ở các ngân hàng thương mại, giá USD sau một ngày tăng vọt lên ngưỡng 22.000 VND/USD thì ngày hôm qua đã “hãm” lại khi hầu hết ngân hàng niêm yết không đổi so với ngày trước đó. Còn chứng khoán vẫn đang trong đà giảm giá. Riêng hôm qua thị trường này tiếp tục mất khoảng 3-4 điểm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, trong ngày hôm qua, giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại và giá vàng biến động khoảng trên dưới 30 lần. Giá USD trong các ngân hàng cũng tương đương với giá trên thị trường tự do.
“Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý để theo dõi các biến động cũng như kiểm tra, thanh tra ngăn chặn các hoạt động không đúng quy định để kịp thời xử lý… Đến hôm qua mọi hoạt động cung-cầu ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Mọi nhu cầu chính đáng của người dân đều được đáp ứng đầy đủ” - ông Minh khẳng định.