Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên diễn ra sáng nay khá nghiêm ngặt. Đại diện của 21 đơn vị có mặt, trên tổng số 26 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đăng ký trước đó. Các đơn vị ở TP.HCM phải cử người bay ra Hà Nội trực tiếp tham gia. Mỗi doanh nghiệp chỉ đưa một đại diện vào phòng đấu thầu, những người khác phải ở ngoài để đảm bảo tính minh bạch.
Phiên đấu thầu trầm lắng hơn dự kiến, ngay sau khi ban tổ chức thông báo giá sàn đấu thầu ở 43,81 triệu đồng, cao hơn 400.000 đồng so với giá vàng SJC ở cùng thời điểm. Các bên có hơn một tiếng đồng hồ để cân nhắc, cuối cùng chỉ 17 đơn vị bỏ phiếu.
|
Giá vàng trong nước tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng sáng 28/3. |
"Tôi thấy nhiều người bỏ phiếu trắng. Tôi cũng viết phiếu mua 0 lượng. Giá cao quá nên doanh nghiệp chúng tôi không mua", đại diện một công ty vàng nói bên lề buổi đấu thầu.
Phiên đấu thầu kết thúc và chỉ 2 đơn vị trúng thầu với 2.000 lượng trong tổng số 26.000 lượng. Điều này đồng nghĩa với việc 24.000 lượng vàng chào bán "bị ế". Giá vàng trong nước phản ứng khá nhạy sau thông tin này, từ mức thấp 43,4 triệu đồng lúc mở cửa ngày đã không ngừng tăng, lên 43,7 triệu đồng lúc 10h, bất chấp giá thế giới gần như đứng yên quanh 1.605 USD suốt buổi sáng. Độ vênh giữa vàng trong nước và thế giới vì vậy đã giãn rộng trên dưới 3,2 triệu đồng, so với mức 2,8 triệu của đầu ngày.
Khi thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng được phát ra chiều 27/3, ngay lập tức, nhiều đầu mối kinh doanh vàng đã mạnh tay giảm 400.000-500.000 đồng mỗi lượng chỉ trong vài tiếng đồng hồ của buổi chiều qua và duy trì mức thấp này đến lúc mở cửa sáng nay, xuống sát 43,3 triệu đồng.
Nhìn nhận diễn biến trên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Agribank cho rằng mục tiêu đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước là nhắm tới việc ổn định thị trường, nhưng giá sàn 43,81 triệu đồng đưa ra sáng nay cao hơn nhiều so với niêm yết của doanh nghiệp cùng thời điểm, cơ quan này sẽ rất khó dẫn dắt thị trường.
Theo ông Trúc, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc đưa ra mức đấu thầu dựa trên giá thế giới. Chẳng hạn, tại thời điểm cuối ngày 27/3, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế gần 3 triệu đồng thì sáng nay, giá sàn đấu thầu nên đưa ra cao hơn quốc tế chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng. "Điều này vừa dẫn dắt được thị trường, lại có thể thu hút được sự tham gia của các thành viên dự thầu", ông Trúc chia sẻ.
Là thành viên đủ tư cách dự thầu nhưng sáng nay Công ty Vàng bạc Agribank chưa tham gia phiên đấu thầu đầu tiên này. Nguyên nhân được ông Trúc đưa ra là do nguồn vàng của Agribank hiện nay vẫn đủ để kinh doanh. "Khả năng chúng tôi sẽ tham gia những phiên đấu thầu sau", ông nói.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nhận định, có hai doanh nghiệp mua vàng cũng đã là một thành công của phiên đấu giá đầu tiên hôm nay. Tuy nhiên, số lượng được mua khá thấp trên tổng số 26.000 lượng chào bán cũng là vấn đề khiến người ta cần lưu tâm. Ngoài ra, mức giá quá cao so với thị trường khiến doanh nghiệp khó hiểu vì hiện giá vàng thế giới biến động không đáng kể, tỷ giá hối đoái dậm chân tại chỗ, sức mua trong nước khá chậm.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư vàng Việt Nam (VGB) nhìn nhận, đưa ra mức giá sàn 43,81 triệu đồng một lượng có thể nhà điều hành đang muốn "phòng ngừa rủi ro".
Kèm theo đó, ông Hải cũng thẳng thắn, với một diễn biến khá phức tạp của thị trường thế giới, giá biến động liên tục, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra giá tham chiếu quá sớm (từ chiều ngày hôm trước), lại thêm quy định giá sàn khá cao, không bám theo diễn biến giá quốc tế, sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho những thành viên dự thầu.
Lý giải cho mức giá sàn 43,81 triệu đồng sáng nay, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc bình ổn thị trường vàng là một kế hoạch phức tạp, nhất là khi giá thế giới diễn biến khó lường. Theo vị này, mức giá Ngân hàng Nhà nước bán ra đã được cân nhắc tới mục tiêu ổn định thị trường và bảo vệ dự trữ ngoại hối quốc gia. Đồng thời, cũng là nhằm loại trừ các hiện tượng bán khống, trục lợi.
Mặc khác, theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường một thời gian dài thiếu cung, nay cơ quan này bắt đầu tạo cung, là yếu tố quyết định khi can thiệp chứ không phải bán giá thấp, giá rẻ để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch. "Khi cung cầu được dần cân đối, giá sẽ dần phản ánh hợp lý hơn", vị quan chức Ngân hàng Nhà nước nói.
Để bình ổn thị trường vàng, thực hiện yêu cầu giá trong nước bám sát giá thế giới mà Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, ông cho rằng không thể chỉ qua một vài phiên đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến phản ứng của thị trường để tổ chức đấu thầu cho phù hợp.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU