Lời nói phải đi đôi với việc làm. Chẳng phải trẻ con mà người lớn cũng vậy, nói dối hay nói quá đi một lần thì lần sau chẳng ai tin.
Tiếng chuông gọi cửa, chạy vội xuống, ngỡ rằng có khách hoá ra không phải.
- Chú ơi, chú mua đi.
- Gì vậy? Siêu rẻ, siêu sạch. Đã thấy quảng cáo trên Ti vi. Của siêu lại mang tận nhà. Thời buổi khách hàng là thượng đế. Mua.
- Chú mua nhiều vào nhé, đang dịp siêu khuyến mãi đấy.
Bà xã về. Chắc là đi siêu thị. Hớ rồi, nịnh một câu vậy:
- Hôm nay trông em cứ như siêu mẫu!
- Cảm ơn, siêu nịnh. Này, anh có biết không, cái Hợi nhà Thu bạn em ấy vừa đoạt gải Siêu mẫu.
Chợt bà xã nhìn thấy mấy gói xà phòng để trên bàn:
- Này anh, ở đâu ra thế?
- À thì là của Siêu rẻ siêu sạch mang đến tận nhà.
- Trời ơi, anh ăn quả Siêu lừa rồi. Xà phòng rởm đấy Siêu gì mà siêu.
Ôi thời buổi cái gì cũng siêu.
Nhìn lên sân khấu thì Siêu mẫu, Siêu sao. Nhìn xuống bẹn trẻ em thì Siêu thấm, Siêu sạch. Nhìn vào thành phố thì ở đâu cũng Siêu thị. Nhìn những ngôi nhà đầu đường thì ai cũng kêu Siêu mỏng. Vào cửa hàng nào cũng Siêu rẻ, Siêu khuyến mãi …Thời buổi thị trường chữ "siêu" đáng giá ngàn vàng thế ư!
Cái gì cũng Siêu cả, biết tin vào đâu.
Chẳng lẽ ta đã quên câu nói của người xưa rồi sao “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”!
|
Muốn trẻ con tin lời bố mẹ, phải nói cho đúng. Ảnh minh họa.
|
Chợt nhớ chuyện Tăng Tử giết Heo.
Chuyện rằng: Một hôm, vợ Tăng Tử đi chợ, đứa con khóc đòi đi theo. Bà mẹ dỗ con:
- Con ngoan nào, đợi mẹ đi chợ về sẽ mổ Heo cho con ăn.
Vợ Tăng Tử đi chợ về, Tăng Tử liền đi bắt Heo làm thịt, bà vợ nói:
- Tôi chỉ nói đùa, dỗ con thôi mà.
Tăng Tử nói:
- Không được, muốn trẻ con tin lời bố mẹ, phải nói cho đúng, không được quá lời để dỗ dành! Lời nói phải đi đôi với việc làm. Chẳng phải trẻ con mà người lớn cũng vậy, nói dối hay nói quá đi một lần thì lần sau chẳng ai tin. Nói rồi Tăng Tử vào chuồng bắt lợn mổ thịt cho con ăn.
Ôi! Siêu, người Xưa đúng là Siêu Thật!