Bộ phim do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa cùng Xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS) và Công ty CP Truyền thông iGen Media phối hợp thực hiện.
(Kienthuc.net.vn) - Bộ phim do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa cùng Xưởng phim truyền hình Hải Phòng (HFS) và Công ty CP Truyền thông iGen Media phối hợp thực hiện.
|
Phật Hoàng Trần Nhân Tông |
Bộ phim được kỳ vọng sẽ khắc họa một cách chân thực và đầy đủ thân thế, sự nghiệp oai hùng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong một không gian rộng lớn với bối cảnh sinh hoạt của thế kỷ XIII.
Theo kịch bản ban đầu, dự định bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông là phim tài liệu truyền hình 15 tập. Tuy nhiên sau đó, thực hiện phương thức xã hội hóa và huy động được tài trợ nên các đơn vị sản xuất đã xây dựng kịch bản thành 45 tập phim.
Từ đề cương kịch bản chi tiết tạo dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật, đoàn làm phim đã bắt tay nghiên cứu, tiến hành thiết kế bối cảnh, phục trang, đạo cụ… khá kỹ lưỡng và chu đáo, với cả một khối lượng công việc khá lớn.
“Chúng tôi không cầu mong điều gì, chỉ mong sao thể hiện được vẻ đẹp, bản sắc của văn hóa và con người Việt, tích tụ thành tinh hoa trong phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông” - Tổng đạo diễn NSƯT Văn Lượng, đồng thời là Giám đốc HFS cho biết.
Để hoàn thiện công tác chuẩn bị và kịch bản để có được một công trình nghệ thuật xứng tầm, các đơn vị sản xuất phim vừa phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức tọa đàm “Hướng tới bộ phim về Phật Hoàng Trần Nhân Tông” tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh).
Vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị Hoàng đế thứ 3 triều đại nhà Trần. Ông lên ngôi năm 21 tuổi và đã 2 lần cầm quân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 35 tuổi, ông nhường ngôi vua, làm Thái thượng hoàng và năm 41 tuổi chính thức xuất gia tu hành tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh), lấy đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà về sau đổi làm Trúc Lâm Đại Đầu Đà, kế thừa Huệ Tuệ Thiền Sư làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử.
Về sau, Trần Nhân Tông đã đổi tên Sơn môn Yên Tử thành Trúc Lâm Thiền phái. Vua Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất ở Việt Nam được gọi là Phật hoàng. Ngài không chỉ được giới Phật tử tôn thờ mà còn được cả xã hội và lịch sử ghi nhận, tôn vinh.
Bùi Hiền (tổng hợp)
[links()]