"Khổ và sự diệt khổ" là trọng tâm của lời đức Phật dạy, được diễn đạt qua Kinh Chuyển Pháp Luân.
"Idaṁ dukkhaṁ ariyasaccaṁ’ pariññeyyan-ti
"Chính sự thật về khổ’, cần được con người am hiểu, rõ biết tường tận.
Nhận định này có thể tư duy thông qua bài kinh "Ví Dụ Tấm Vải" như sau: Ví như tấm vải bị hoen ố, vấy bẩn và người thợ nhuộm đã cố gắng làm đẹp tấm vải bằng cách nhúng nó vào thuốc nhuộm loại tốt này hay loại tốt khác, nhưng kết quả cho ra không được như ý. Bởi vì thực chất của tấm vải là dơ bẩn, không sạch, uế nhiễm.
Cũng vậy, khi tâm bị cấu uế, vẩn đục, bất lương, các cõi dữ như đoạ xứ, ác thú, ngạ quỷ sẽ xuất hiện. Những loại tâm cấu uế, bất thiện thường gồm trong các loại sau:
1. Tham dục và tà tham (abhijjhā-visamalobha),
2. Nóng giận (vyāpāda),
3. Phẫn nộ (kodha),
4. Hiềm hận (upanāha),
5. Giả dối (makkha),
6. Não hại (palāsa),
7. Tật đố (issā),
8. Xan tham (macchariya),
9. Man trá (māyā),
10. Phản bội (sātheyya),
11. Ngoan cố (thambha),
12. Bồng bột (sārambha),
13. Ngã mạn (māna),
14. Tăng thượng mạn (atimāna),
15. Kiêu căng (mada),
16. Phóng dật (pamāda).
"Idaṁ dukkhanirodhaṁ ariyasaccaṁ’ sacchikātabban-ti
Có một ‘sự thật tiêu diệt được khổ’, làm con người dứt hẳn khổ đau, an vui, trong sáng, thanh thoát, Niết bàn cần nên trải nghiệm.
Ví như có người từ bỏ, diệt trừ, giải thoát, đoạn tận và xả ly từng phần trong 16 tâm bất thiện kia/cittassa upakkilesa, người đó sẽ đạt được nghĩa tín thọ và pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến Pháp. Khi vị đó hân hoan, hỉ sanh, từ hỉ thân được khinh an, do thân khinh an cảm giác lạc thọ, với lạc thọ tâm vị này định tĩnh. Cũng thế, khi tâm trong sạch, an tịnh, không phiền não, không cấu uế, dễ sử dụng, nhất định cõi tịnh, an lạc, Niết bàn, giải thoát sẽ hiện khởi.
Hai sự thật vừa trình bày trên, tạo sức mạnh thôi thúc đức Phật ra đi, tìm cầu giải pháp khổ đau, trống vắng, biến đổi, mất chủ thể. Đó là nhân chính khiến Ngài thị hiện ở cõi Ta bà : ‘Này các Tỳ Kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ tuyên bố về Khổ và sự Diệt khổ’.
Thật vậy, thiếu hiểu biết về nhận thức Bốn sự thật (khổ, nhân khổ, diệt khổ, và con đường đưa đến diệt khổ), người đời say đắm, hưởng thụ, nhiễm trong năm dục lạc (rūpa/sắc, sadda/thanh, gandha/hương, rasa/vị, và phoṭṭhabba/xúc), họ sẵn sàng buông thả tư duy, mặc cho các ác, bất thiện, tội lỗi có cơ hội cấu kết, tham dự, tiếp sức, lẩn vào, len lỏi trong tâm, từ đó tham, sân và si dấy khởi: ‘Người như vậy là người chính tự mình bị sanh, già, …bệnh... chết… sầu… bi.. khổ … ưu … não… , lại tự mình đi tìm cầu hạnh phúc trong sanh, già…bệnh... chết… sầu… bi.. khổ … ưu … não…’. Một tầm cầu thật tầm thường, vô bổ, đáng thương.
Trong khi những người khác ở trong sanh, già, …bệnh... chết… sầu… bi.. khổ … ưu … não… lại đi tìm cầu cái không sanh, không già,…không bệnh... không chết… không sầu… không bi.. không khổ … không ưu … không não… Sự tìm cầu quý báu, trân trọng, cao thượng, đáng kính.
Nhân đây, đức Phật dạy hàng đệ tử của Ngài hãy nên hướng đến chúng sanh, tu dưỡng Bốn Vô Lượng Tâm (Brahma-vihāra) với nhận thức rằng, trong vòng luân hồi sanh tử vô tận, tất cả chúng ta đã từng là cha, mẹ, con cái, anh, chị, em, bạn bè… bà con quyến thuộc của nhau…
Bốn tâm vô lượng này được xem là cao thượng (Brahma) vì chúng là con đường đạo đức trong sáng, chân chánh, thánh thiện, giản dị và lý tưởng, hướng tâm đến tất cả các loài hữu tình (sattesu sammā paṭipatti). Chúng cũng là những nơi trú ngụ (vihāra) an toàn, bình yên nhất cho bất kỳ những loài hữu tình nào muốn lưu trú.
Lòng từ/Mettā (thiện chí, yêu thương, tử tế) nơi vắng bóng căm phẫn, tức tối, sân hận, chỉ vì ước muốn cho lợi ích và an lạc muôn loài.
Bi/Karuṇā (lòng thương) sự thông cảm, đồng cảm với nỗi đau của chúng sanh, ở đây ác tâm, độc tâm, hiểm tâm không bao giờ nhen nhúm.
Hỷ/Muditā (sự tán đồng, đồng tình), hân hoan, hoan hỷ với các điều tốt, hạnh lành; chúc mừng, ca tụng, ngợi khen sự thành đạt của người. Trong niềm an vui này, bực bội, tức tối không thể hiện diện.
Xả/Upekkhā (tâm bình đẳng, thanh thản), một thái độ cởi mở, vô tư, thả lỏng, không dính mắc, không chấp thủ, không thiên vị đối với chúng sanh, thái độ này đối trị lòng tham, đắm nhiễm.
Trong Bốn Tâm vô lượng (Brahma-vihāra), tâm xả được xem là quan trọng nhất, vì những tư duy như ‘của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi’ bị tiêu diệt hoàn toàn. Do vậy, giáo lý tánh không, vô ngã (anattā) chính là kim chỉ nam hướng chúng ta đến bờ an lạc, giải thoát. Bản chất kiên định của tánh không chính là biểu hiện sức mạnh tối thắng, vượt trội.
‘Này các Tỳ kheo, nếu vị Tỳ kheo nào có giới, định, tuệ như vậy, trong khi vị ấy sử dụng bốn loại thức ăn để duy trì mạng sống, sẽ không có bất kỳ trở ngại nào’. Bốn loại thức ăn đó là:
1. Đoàn thực/ kabaliṅkāhāra / thức ăn thông thường hàng ngày, thô và tế
2. Xúc thực/ phassa / sự giao tiếp giữa căn và trần có chánh niệm, tỉnh giác
3. Tư niệm thực / mano – sañcetanā / luôn nhớ nghĩ về Phật, Pháp, Tăng
4. Thức thực / viññāṇa / nhận thức rốt ráo về giá trị của tấm thân này, tô bồi đạo đức cho sáng
Cấu tạo con người là vô ngã (anattā), sự tạo thành đó lại luôn biến đổi (vô thường/ anicca), bất kỳ cái gì không thường cái ấy luôn chịu khổ đau ‘Yaṃ aniccaṃ taṃ dukkhaṃ’. Từ đó nhận định, một chúng sanh nếu tự thân có chứa đựng bản chất sanh khởi, tự thân đó cũng chứa đựng bản chất huỷ diệt. Chứng cứ này được tìm thấy trong đoạn văn nổi tiếng của kinh tạng Pāli với công thức như sau:
‘Yaṁ kiñci samudayadhammaṁ,
Cái gì sẵn có bản chất của sanh
sabbaṃ taṃ nirodhadhammaṃ-ti.
cái đó sẵn có bản chất của diệt’.
Cũng thế, chấp vào, dính mắc, nắm giữ tấm thân năm uẩn này, khác nào cố giữ thanh gươm sắc bén khi rút khỏi vỏ ‘Kinh Ví Dụ Con Rắn’ (S. IV., 174). Khư khư giữ gánh nặng ‘Kinh Gánh Nặng’ (S. III., 25). Loài quỷ đói trong kinh ‘Đọa xứ’ (S. III., 87f). Cố giữ vật gì đó không thường hằng, không thực thể để rồi khổ đau, khi chúng hình thành và hoại diệt theo kinh ‘Yamaka’ (S. III., 112f). Diễn đạt chi tiết hơn, sắc được ví như khúc gỗ bềnh bồng trên sông, không có chân đứng. Thọ như bọt nước dễ tan biến. Tưởng như ảo ảnh dễ mắc lừa. Hành như thân chuối không cốt lõi. Thức như trò ảo thuật với nhiều thủ đoạn (S. III., 140-2).
Biết và thấy mối quan hệ của mỗi uẩn với thân này rồi, sự níu kéo thân năm uẩn cần phải loại bỏ với chánh trí như sau:
‘Cái này không phải của tôi (n’etaṃ mama),
Cái này không phải là tôi (n’eso’haṃ asmi),
Cái này không phải là tự ngã của tôi (na me so attā)’.
Khi con người biết và thấy như vậy, khuynh hướng ngã mạn ‘tôi làm hay do tôi làm’ không ám ảnh. Nhờ ly tham, tâm vị ấy được giải thoát. Khi được giải thoát vị ấy biết ‘tôi đã giải thoát’. Vị ấy tuệ tri rằng ‘sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm, sau đời này không còn tái sanh nữa’.
Chúng ta cần lưu ý vấn đề ở đây rằng, đức Phật không dạy năm uẩn là khổ đau hay biến hoại, vô thường. Ngài chỉ đơn giản khiến chúng ta tự đặt câu hỏi cho chính mình: ‘Có thật xứng đáng để tham chấp năm uẩn là tôi, của tôi, tự ngã của tôi hay không’? Nếu còn cố chấp vào thân này, cần từ bỏ liền ý nghĩ đó. Sự thật mà nói, khổ đau chính là lẩn quẩn, luân hồi, vướng bận, không lối thoát (saṃsāra). Diệt khổ là thanh tịnh, an vui, bình thản, nhẹ nhàng, giải thoát, Niết bàn. Cả hai phương diện này cùng một chất lượng, bản chất:
‘Khi cái này có, cái kia có. Khi cái này sanh, cái kia sanh.
(Imasmiṃ sati, idaṃ hoti. Imassuppādā, idaṃ uppajjati).
Tương tự, chúng ta cần phải thanh lọc tam nghiệp thân, khẩu, ý bằng cách luôn tự mình phản tỉnh nhiều lần. Trong khi quán chiếu đối tượng với những phẩm chất và đặc tánh của nó, sẽ giúp chúng ta phát sinh tuệ giác:
‘Khi cái này không có, cái kia không có.
Khi cái này đoạn diệt, cái kia đoạn diệt’
(Imasmiṃ asati, idaṃ na hoti. Imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati).
Đệ tử chính tông của đức Phật, tu tập theo con đường Trung Đạo nhằm đoạn trừ tham và sân, làm khởi lên ‘nhãn, trí, tuệ, minh, quang’ (cakkhuṁ udapādi, ñāṇaṁ udapādi, paññā udapādi, vijjā udapādi, āloko udapādi).
Từ những trình bày trên, thật dễ nhận ra rằng ‘không có sợ hãi, không có nguy hiểm, không có thảm hoạ đến với người trí’ vì người trí là những người tín thành, đặt trọn lòng tin nơi Tam Bảo, những người không bị chi phối bởi sanh già bệnh chết, sầu bi khổ ưu não. Người trí là người sống viễn ly và tuỳ học viễn ly. Họ sẵn sàng từ bỏ những gì bậc Đạo sư dạy nên từ bỏ. Họ sống thật giản dị, chân thật, không sa ngã, truỵ lạc, họ luôn đi đầu trong hạnh viễn ly.
Người trí biết gieo trồng căn lành nhiều đời, nhờ vậy họ đoạn trừ các phiền não, chướng ngại làm ngăn trở tâm an lạc. Đó là lý do vì sao đức Phật từng dạy ‘đoạn trừ các lậu hoặc chỉ dành cho người biết và thấy, không thể dành cho người không biết, không thấy’.
Có bảy phương pháp đoạn trừ tất cả các loại lậu hoặc dành cho người biết và thấy, những người thiện xảo trong Pháp và Luật của đức Thế Tôn. Họ là những người tỉnh thức, biết tác ý những gì cần tác ý, không tác ý những gì không đáng tác ý. Nhờ vậy, các lậu hoặc, cấu uế, nhiệt não trong tâm được trừ khử. Cấu uế, lậu hoặc, phiền não, tham sân si, kiết sử, triền cái được dứt hẳn nhờ:
1. Biết và thấy sự nguy hiểm.
2. Khéo phòng hộ các căn.
3. Tri túc trong thọ dụng.
4. Kham nhẫn là đức hạnh đi đầu.
5. Tránh né những nơi không an toàn.
6. Đoạn diệt những gì độc hại.
7. Tu tập, rèn luyện ý chí hướng thượng, cao quý.
Pháp của đức Phật để lại cho hàng đệ tử không chỉ có nghe, học mà cần tư duy và hành trì. Nhờ Pháp, chúng ta nhận ra gì là chân thiện mỹ. Pháp giúp công hạnh sáng ngời, tâm linh thánh thoát. Pháp giúp vun trồng, tích trữ căn lành nhiều đời, giảm dần, triệt tiêu các điều tội lỗi, tâm sáng nhờ con đường bát chánh dẫn lối, tiến thẳng vào các ngõ thấy, suy tư, nói năng, tạo nghiệp, hành nghề, tinh cần, nghĩ nhớ, chuyên nhất, hiểu biết và hiểu biết hoàn toàn.
Trong cái hiểu biết hoàn toàn, mọi khổ đau chấm dứt, tâm trạng tham lam, nóng giận, mờ mịt không chỗ bám víu, cảnh giới thuần tịnh, mát mẻ, thanh lương, bình an hiển lộ. Con người giờ đây, tuy xác là phàm nhưng tâm là thánh. Đó là ý nghĩa Thanh Tịnh – Con đường độc nhất.
Đời sống làm rung động lòng người nhờ biết lắng lòng, quan tâm và tỏ thái độ quan tâm. Có năm cách làm người dễ gần gũi nhau: (1) đức tin /saddhā dựa trên hiểu biết và trải nghiệm (2) hạnh lành / sīla (3) cầu tiến, học hỏi /suta (4) mở rộng lòng/cāga (5) ứng xử như người có trí/paññā.
Một cách vắn tắt, "này các Tỳ kheo, duy chỉ có một con đường, đưa lại thanh tịnh cho các chúng sanh, vượt qua sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn" (Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, sokaparidevānaṃ samatikkamāya, dukkhadomanassānaṃ atthaṅgamāya, ñāyassa adhigamāya, nibbānassa sacchikiriyāya).
Chúng ta hãy kính cẩn, thọ trì, thừa tự Pháp bảo.