Tâm nguyện hòa bình của Ni sư Tsomo

Google News

"Tôi từng đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh đời cơ cực, nhất là với phụ nữ từ đó tôi muốn giúp đỡ phụ nữ nghèo có cơ hội..."

- “Tôi từng đi nhiều nơi, gặp nhiều cảnh đời cơ cực, nhất là với phụ nữ từ đó tôi muốn giúp đỡ phụ nữ nghèo có cơ hội được học hành, nâng cao dân trí”. 

“Tôi mong phụ nữ nghèo có cơ hội được học hành, nâng cao dân trí” Ni sư Tsomo, Chủ tịch Hội Nữ giới Phật giáo Thế giới tâm sự

Đây là tâm sự của Ni sư Karma Lekshe Tsomo (quốc tịch Mỹ), Phó giáo sư của phân khoa Tôn Giáo Học và Thần Học tại trường Đại học San Diego, Chủ tịch Hội Nữ giới Phật giáo Thế giới khi nhắc đến sự đổi thay cho người phụ nữ.

Duyên với đạo Phật từ nhỏ

Trước đây gia đình Ni sư theo Thiên chúa giáo, thế nhưng ngay từ 11 tuổi Ni sư đã từng nói với mẹ “con là một Phật tử”. Khi nghe câu nói ấy, thân mẫu của Ni sư cho là lời con trẻ không hiểu nên im lặng. Lúc đó, thật sự Ni sư cũng chưa hiểu gì về bản chất cũng như làm thế nào để thành một Phật tử.

Ni sư sinh sống tại Mỹ cùng với gia đình cho đến 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trung học, thấy cảnh xã hội Mỹ đang rối ren, nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam diễn ra. Bà tham gia các cuộc biểu tình chống lại chiến tranh tại Việt Nam. Sau đó Ni sư xin gia đình đi chu du các nước Châu Âu, rồi đến Nhật Bản và cả Việt Nam. 

Sau khi xuất gia Ni sư luôn chịu khó học hỏi giáo lý với các bậc trưởng lão

Một thời gian sau, Ni sư Tsomo đến Đức tiếp tục học tập và trở thành ca sĩ vào những năm của thập niên 60. Bà đã từng ra mắt những đĩa hát cùng với bạn bè, tuy nhiên dù ở địa vị nào bà vẫn luôn cảm thấy bất an. Từ đó Ni sư bắt đầu tìm đến Phật pháp. Bà thực hiện những chuyến hành hương về Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nepal, Tây tạng… để tìm hiểu đạo Phật.

Cuối cùng năm 1982, sau khi ngộ ra điều lâu nay tìm kiếm, bà đã xuất gia, thọ giới Tỳ kheo ni tại Hàn Quốc. Ni sư đã nhập thất nghiên cứu Phật pháp suốt 15 năm tại thành phố Dharamsala (nước Ấn) và hoàn thành chương trình Tiến sĩ Triết học tại trường Đại học Hawai với luận án nghiên cứu về sự chết và quan niệm về tái sanh giữa văn hoá Trung Quốc và Tây Tạng.

Hướng đến sự phát triển của giới nữ

Ni sư chuyên nghiên cứu về các hệ thống triết học Phật giáo, các đề tài so sánh trong tôn giáo, các vấn đề giới tính trong Phật giáo, Phật giáo và Sinh đạo đức học.

Công việc của Ni sư gồm cả nghiên cứu, ấn bản nhiều tác phẩm về các lãnh vực - phụ nữ và Phật giáo, sự chết và quan niệm tái sanh, đời sống trong tự viện Phật giáo, đối thoại liên tôn Thiên Chúa và Phật giáo, sự thích nghi của Phật giáo tại các nước Tây phương.

Là một Ni sư người Mỹ tu học theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Ni sư Tsomo đã đóng góp và giữ vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Phật Giáo Quốc tế Sakyadhita. Ni sư đã hợp tác và giúp nhiều cuộc hội thảo trong nước cũng như quốc tế về vấn đề nữ giới Phật giáo. 

Ni sư Tsomo trong 1 lần ghé thăm các tự viện tại Việt Nam

Nói về việc thành lập Hội nữ giới Phật giáo thế giới, Ni sư cho biết: “Với mong muốn giúp đỡ phụ nữ nghèo có cơ hội được học hành, nâng cao dân trí. Năm 1986, tôi cùng một nhóm bạn tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về phụ nữ Phật giáo ở Bodhgaya để bàn về các nội dung làm thế nào để phụ nữ Phật giáo có nhiều thuận lợi trong cuộc sống”.

Sau đó 2 năm vào 1987, Hội nghị Nữ Phật giáo thế giới lần thứ I được tổ chức và diễn ra thành công với sự tham gia của 1.500 người. Đến nay Hội Nữ Phật giáo thế giới đã có khoảng 2.000 hội viên và bằng hữu ở 47 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là tổ chức của những nữ tu sĩ và nữ cư sĩ phật giáo trên thế giới nhằm kêu gọi phụ nữ hướng đến sự phát triển của xã hội và của phật giáo nói chung, trong đó đặc biệt hướng đến sự phát triển của giới nữ.

Hiện Ni sư còn là Giám đốc của Tổ chức Jamyang, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để hướng dẫn cho phụ nữ ở các nước đang phát triển, cùng với 12 trường phái Ni giới ở Himalaya - Ấn Độ và ba trường phái ở Bangladesh.

Hoài Lương (ghi)
Ni sư Viên Ngạn - phiên dịch

Bình luận(0)