Sự im lặng

Google News

Trong cuộc sống của chúng ta, sự im lặng thường có hai mặt, tích cực và tiêu cực.

Mặt tích cực của sự im lặng thể hiện rõ nét trong văn hóa giao tiếp. Trong một cuộc nói chuyện có nhiều người tham gia, họ ở nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, xuất thân từ gia cảnh khác nhau. Là một trong những người ấy thì ta nên biết im lặng để lắng nghe và phát biểu đúng lúc. Đặc biệt phải biết im lặng khi người đối thoại trực tiếp với ta tỏ vẻ muốn... tranh cãi!

 Trong cuộc sống thường nhật, ta có nên im lặng? Nên và không nên! - Ảnh minh họa

Im lặng theo hướng tích cực có nhiều cái lợi. Nhưng muốn giữ được sự im lặng trong những trường hợp như thế phải có bí quyết. Tâm phải tĩnh, không hiếu thắng, không hiếu danh. Sự im lặng có ý nghĩa nhân văn vì không nên tranh cãi vô ích, những chuyện không đáng.

Mặt tiêu cực của sự im lặng là gì? Im lặng thể hiện sự bàng quan, ai làm gì kệ họ không liên quan gì đến ta. Đó là sự im lặng theo hướng ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Lại có sự im lặng theo hướng “chống đối ngầm”. Thấy người khác hơn mình. Im lặng. Im lặng để ngấm ngầm làm những chuyện hại người. Sự im lặng khó đoán, thâm độc.

Và một sự im lặng khác cũng tai hại không kém. Sự im lặng vô cảm. Khi tham gia giao thông trên đường, thấy một tai nạn giao thông. Người bị tai nạn nằm đấy, không ai giúp đỡ người bị nạn, họ im lặng vô cảm và lặng lẽ lấy điện thoại di động ra quay lại cảnh ấy. Thấy cảnh đánh nhau, họ im lặng nhếch môi cười bỏ đi. Tới chốt đèn giao thông, họ thấy người ta vượt đèn đỏ, họ im lặng nhìn trước nhìn sau và tham gia vượt...  theo!

Trong cuộc sống thường nhật, ta có nên im lặng? Nên và không nên! Bạn trẻ ngày nay rất sáng tạo, năng động. Với họ, im lặng đôi khi lại khó. Dù khó nhưng phải rèn cho mình biết im lặng. Im lặng khi cần thiết cho mình, cho người và đừng nên im lặng khi người khác cần mình giúp đỡ.



Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)